Chuỗi ngọc Sa Pa
Sa Pa mù sương, bềnh bồng
sông mây, sắc ngời đỗ quyên…
luôn gọi mời bước chân phiêu
lãng.
Đường lên Tây Bắc
Đọc lên câu thơ của Quang
Dũng: “Sông Mã xa rồi Tây
Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi
nhớ chơi vơi...” lại muốn về
Tây Bắc. Đôi khi ngân khúc
“Tình ca Tây Bắc” lại ngỡ
như gửi hồn quê hương xứ sở
vào lá xanh, nắng mật, hoa
vàng: Rừng cây xanh lá muôn
đóa hoa mai mừng đón xuân về/
Vui trong nắng vàng từng đàn
bướm trắng bay khắp rừng hoa...”.
Miền Tây Bắc trong tâm tưởng
tôi lung linh ngàn chuỗi
ngọc. Rồi đến một ngày tôi
cũng chạm vào dải sơn mạch
Hoàng Liên có ngọn Phan Xi
Păng hùng vĩ và tận mắt ngắm
nhìn non sông gấm hoa của
đất nước.
Cô gái Mông đang mời du
khách mua hàng lưu niệm.
…Trưa hôm ấy, chúng tôi vội
vàng chia tay Hạ Long, theo
Quốc lộ 5, rẽ các Quốc lộ
2, 70 rồi dọc con đường
ngoằn ngoèo thẳng về Lào Cai
cho kịp. Mặt trời đã gác non
đoài mà đường lên còn tít
tắp dặm xa... Nhưng cái tên
Lào Cai - thành phố đầu
nguồn sông Hồng nước Việt -
nơi ấy có “Sa Pa hè mát hơn
thu/ Chỉ làn không khí đã ru
dịu người” (Xuân Diệu) luôn
gọi mời chúng tôi đi tới.
Hôm sau, chúng tôi đi chợ
Cốc Lếu. Theo nhà văn Mã A
Lềnh, Cốc Lếu là xứ cây gạo,
tiếng Giáy gọi là “Coóc reéo”,
tiếng Kinh đọc chệch thành
Cốc Lếu. Phải nói thành phố
Lào Cai là xứ của hoa gạo.
Cả một vùng thung lũng ngã
ba sông Hồng và sông Nậm Thi,
nơi đâu cũng đều bắt gặp
những cây gạo khi thì nép
mình, khi thì vươn cành, sắp
thành hàng khắp ngả đường
trong phố. Bất giác nghe ai
đó ngâm nga câu ca dao quen
thuộc:
Ai đưa tôi đến chốn này
Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào
Cai.
Đường lên Sa Pa quanh co uốn
lượn đẹp đến nao lòng. Chúng
tôi ngồi trong xe cứ tưởng
mình đang lượn bay trên mấy
từng không. Lúc bên trái khi
bên phải đâu đâu cũng thấy
mây núi chập chùng còn bầu
trời thì lặng yên như bức
tĩnh vật. Xa xa, thấp thoáng
vài nóc nhà chìm lẫn trong
mây. Nơi đây thực không mùa,
trời đang hè nắng mỏng không
đủ nóng cái nhìn, thoảng se
lạnh dắt chúng tôi vào mùa
thu. Với độ cao 1.556m so
với mặt nước biển, Sa Pa nép
mình dưới đỉnh cao nguyên
Can Thàng 670m (thời thuộc
Pháp gọi là Lồ Súi Tổng, có
nghĩa nước rơi xuống thung
sâu).
Theo bản đồ địa lý Lào Cai
(năm 2000), nhiệt độ ghi tại
trạm Sa Pa: tháng 11: 90,
tháng 12: 100, các tháng 6,
7, 8 là 200. Ngày 26.3.1974,
tuyết rơi dày 50cm; năm 1976
tuyết đóng băng ô tô không
qua được đèo Hoàng Liên Sơn.
Có lẽ Sa Pa còn in đậm nét
trong tâm trí tôi là nhờ
truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”
của nhà văn Nguyễn Thành
Long, gốc người Quảng Nam.
Tác phẩm dẫn người đọc lặng
lẽ qua từng cung bậc nhẹ
nhàng mà sâu lắng, kín đáo
mà gợi nhiều mỹ cảm. Mơ Sa
Pa tôi như tan trong làn
sương mỏng mảnh. Yêu Sa Pa
như người tình diệu vợi từ
mấy ngàn năm trước, để tôi
về đây cùng thỏa sức ngắm
nhìn. Và Sa Pa không cần
ráng sức tỏ bày, không cần
điểm trang gì cả vì tầng
tầng lớp mây vừa mới giăng
bay trước mặt rồi sà thấp ấp
iu rung qua ngàn cây cỏ lá.
Ngay cánh hoa vừa nở ở đằng
kia cũng khẽ nghiêng mình
đỏng đảnh một chút vì tuyết
sương la đà…
Sa Pa không lặng lẽ
Sa Pa trong tâm tưởng tôi
bềnh bồng bay theo ngàn áng
mây, chứ còn Sa Pa trước mắt
tôi bây giờ mang ít nhiều
thay đổi. Đúng vậy, người ta
đi Sa Pa du lịch như trẩy
hội nên Sa Pa bây giờ đâu
còn lặng lẽ nữa. Cái lặng lẽ
của Sa Pa năm nào nhà văn
Nguyễn Thành Long giờ đã
“động”. Ngày nay Sa Pa là
thành phố nghỉ mát kỳ thú
với khí hậu trong lành, mát
mẻ; là điểm đến hấp dẫn của
nhiều du khách.
Sa Pa mù sương.
Có người khuyên rằng, lên Sa
Pa nhớ nhấm rượu San Lùng và
hơn hết mua về làm quà một
con dao bản Coóng. Trong kho
tàng thần thoại Mường có
nhân vật nữ thần - bà Nhần (Bài
ca “Đang Vần Va”): “Dậy rút
con dao nhọn/ Dao bảy nắm
chuôi tròn/ Đi chặt đất chan
chát/ Đi chặt cát ầm ầm…”.
Thật vậy, do vùng Tây Bắc có
địa mạo đặc thù nên người
Mông sớm có kỹ thuật rèn dao
(dùng cho việc nương rẫy)
rất độc đáo và một bí kíp
khác là khả năng họ nhìn màu
của sắt để tôi.
Kỹ thuật tôi sắt (thối hay
kiện) là sau khi rèn xong,
kim loại chưa cứng hẳn,
người thợ nhúng vào nước hay
dầu để cho thép cứng hơn. Có
nhiều cách tôi sắt khác nhau,
ngoài bằng nước, có khi
nhúng vào muối, hoặc khi
trong thân cây chuối, cả khi
trong vỏ cây, lá… Nhưng
chính xác tôi thép bí truyền
trong dung dịch gì, độ nóng
ra sao, cách thức thế nào
vẫn còn bí ẩn.
Tôi cũng săm soi một cặp dao,
tuy chút phân vân, vì ai đó
vừa mới nhắc, coi chừng nhầm
đồ giả! Không rõ tôi mua vì
cái hấp lực “danh bất hư
truyền” rèn dao của người
H'mông hay còn điều gì khác?
Trong ý nghĩ tôi, hễ nơi nào
núi cao ắt có cây quý. Như
Quảng Nam có đỉnh Ngọc Linh
nên cho cây sâm Ngọc Linh.
Và Sa Pa dưới đỉnh Phan Xi
Păng cũng cho cây sâm tam
thất vậy. Tam thất thuộc họ
nhân sâm. Cây tam thất nếu
đủ 7 lá là tam thất nòi,
nhưng bây giờ rất khan hiếm.
Người nước ngoài gọi tam
thất là kim bất hoán, tức
“vàng không đổi”.
Tam thất sinh trưởng 3 phần
nắng, 7 phần râm, trồng từ
3-7 năm mới thu hoạch. Cây
bao giờ cũng đủ 3 cành 7
nhánh, mỗi nhánh 3 lá, mỗi
lá 7 thùy. Khi thu hoạch củ
nó rắn như đá, nặng như sắt.
Trồng tam thất cũng như khai
vàng vậy. Tôi đã đọc đâu đó
nguyên mẫu người thanh niên
“cô độc nhất thế gian” trong
truyện ngắn của Nguyễn Thành
Long là ông Lê Văn Sử, hiện
sống ở thị trấn Than Uyên,
tỉnh Lai Châu. Qua chuyện
kể, ông Sử đau đáu nỗi niềm
về cây tam thất. Ông Sử dặn,
loại tam thất trồng không
đúng chỗ, chưa đủ lá thì dù
có sao tẩm bằng cách nào,
dùng cũng không đem lại hiệu
quả. Đừng mua tam thất ở chợ
trời Sa Pa nhé! Nhưng tôi
vẫn cứ mua hạt - nụ non bao
tử tam thất vì nghe đâu thầy
thuốc Lê Thanh Bình giới
thiệu, hãm nước uống, bổ
máu, chữa mất ngủ, tăng sức
đề kháng, điều hòa huyết áp.
Tôi có mời bạn bè dùng thử
ai cũng đều khen hạt, hoa có
vị lạ và ngon...
Đêm xuống, chúng tôi loanh
quanh lần nữa khu nhà thờ. Ở
đó, dưới ánh đèn mờ tỏ một
nhóm trẻ Mông trạc tuổi 16 -
17, trên tay mỗi đứa ôm một
chiếc khèn đan thành vòng
tròn. Có lẽ chúng sắp tấu
một khúc nhạc khi có đông
người xem. Khèn ngân lên
những thanh âm huyền hoặc.
Những bước đi khom quyến rũ
tự tình. Giai điệu u trầm
len trong làn sương gợi bao
xao xuyến người về. Tôi định
giương máy ảnh, người bạn
bên cạnh nhắc, coi chừng
chúng “đòi” tiền…
Trở lại câu chuyện trên đỉnh
Yên Sơn diễn ra ba mươi phút
ngắn ngủi trong “Lặng lẽ Sa
Pa”. Những người trong cuộc
đã chạm vỡ lớp thời gian để
sau này chỉ còn đọng lại
những giọt sương trên chiếc
lá non lóng lánh hồi quang
hư ảo. Cô gái hóa thân vào
tác phẩm của Nguyễn Thành
Long xuất hiện rồi tan biến
rất nhanh: “Nhà họa sĩ thì
còn trở lại, nhưng cô, trong
trời đất Tây Bắc bạt ngàn,
trong cuộc đời mênh mông nói
chung, chốc nữa, chắc cô sẽ
đi luôn, biến mất...”.
Sa Pa buổi sáng đáng nhớ ấy
và bao lần nào khác chỉ là
cuộc dạo chơi phù du như Lưu
Nguyễn lạc chốn Đào nguyên
quên cả đường về. Bởi vậy,
cứ mỗi mùa xuân đến, lại có
những đôi tình nhân dìu nhau
lên Sa Pa để tận ngắm hoa đỗ
quyên đủ sắc màu hồng, vàng,
tím, trắng ẩn hiện trong
ngàn sương sớm long lanh. Và
chỉ cần vài giọt nắng xuyên
qua thoáng chốc hoa biến
thành những chuỗi ngọc đẹp
đến mê hồn.
|