Du lịch Lào Cai đang trở
thành thương hiệu mạnh
Tuổi đôi mươi là mốc quan
trọng đánh dấu sự trưởng
thành của một cuộc đời. Tôi
không dám ví von đời người
với sự phát triển của một
ngành kinh tế triển vọng ở
Lào Cai - đó là ngành du
lịch. Bước tiến sau 20 năm
kể từ khi tái lập tỉnh đã
chứng minh kinh tế du lịch
Lào Cai đang tràn trề tiềm
năng, giống như một chàng
thanh niên ở độ tuổi đôi
mươi đầy sung sức, bắt đầu
có độ chín, nhưng cũng còn
nhiều thử thách phía trước.
Những câu chuyện làm du
lịch
Cách đây 20 năm, ngành "công
nghiệp không khói" này vẫn
được coi là ngành kinh tế
non trẻ. Với một tỉnh vùng
cao biên giới, nhiều dân tộc
thiểu số sinh sống như Lào
Cai thì chuyện làm kinh tế
từ du lịch tưởng như xa vời,
nhưng đến Lào Cai hôm nay,
du khách sẽ được nghe và
thấy rất nhiều cách làm giàu
từ du lịch của người dân nơi
đây…
Nằm bên khu phố sầm uất và
sôi động trên đường Nguyễn
Huệ, giáp Cửa khẩu Quốc tế
Lào Cai, Công ty Cổ phần Du
lịch quốc tế Lào Cai đang
bận rộn với những chương
trình chuẩn bị đón khách du
lịch dịp 1/10. Anh Hoàng Văn
Tuyên, Giám đốc Công ty cho
biết: Đây là thời gian nghỉ
lễ nhân kỷ niệm Quốc khánh
của người dân Trung Quốc,
nên khả năng sẽ có nhiều tua
du lịch sang Việt Nam. Là
đơn vị nhiều năm có kinh
nghiệm đón khách Trung Quốc,
Công ty đang phấn đấu đón
khoảng 2.000 khách trong dịp
này".
Có lẽ ít người biết, Giám
đốc Tuyên là một trong những
người đầu tiên làm việc
trong lĩnh vực du lịch ngay
từ những ngày đầu tái lập
tỉnh. Thấy được tầm quan
trọng của kinh tế du lịch,
năm 1998, Công ty Du lịch
được thành lập và là đơn vị
duy nhất (thời điểm đó) kinh
doanh du lịch và đón các
đoàn khách đến Lào Cai và Sa
Pa. Anh Tuyên là một trong
những người tâm huyết, vất
vả gây dựng hoạt động kinh
doanh của công ty từ buổi sơ
khai. Công ty Cổ phần Du
lịch quốc tế Lào Cai hiện có
đội ngũ nhân viên được đào
tạo bài bản, dưới sự điều
hành của người quản lý giàu
kinh nghiệm trong lĩnh vực
du lịch, đây là một trong
những đơn vị kinh doanh khá
hiệu quả trên địa bàn. Con
đường đến với kinh doanh du
lịch của anh Hoàng Văn Tuyên
xuất phát từ chủ trương, cơ
chế của một doanh nghiệp Nhà
nước, hay nói đúng hơn là
"con đường chính thống".
Nhân vật thứ hai tôi muốn kể
trong bài viết này là về một
người con của vùng cao Sa
Pa. Anh đến với du lịch
chính bằng thực tiễn cuộc
sống của mình. Cha mất sớm
khi mới 17 tuổi, là con cả,
anh đã phải bỏ học để lao
động kiếm tiền cùng mẹ nuôi
6 em nhỏ. Lúc phải làm phu
hồ, làm xe ôm, rồi bảo vệ mà
đồng lương chẳng đáng là
bao. Những tháng ngày vất vả
vật lộn với miếng cơm manh
áo, anh đã tìm được hướng đi
- đó là làm du lịch. Rất
may, anh được sinh ra và lớn
lên trên vùng đất có nhiều
tiềm năng du lịch. Ban đầu
đi học tiếng Anh buổi tối,
mặc dù không học được cao,
nhưng trời phú cho năng
khiếu và sự chăm chỉ, nên
học được chữ nào, anh áp
dụng được chữ đó để dẫn
khách du lịch. Sau những
chuyến đi, anh biết khách du
lịch, đặc biệt là khách quốc
tế đến Lào Cai cần gì, cần
đến nơi nào. Những năm tháng
tuổi thơ nhọc nhằn với những
buổi đi rừng, đi nương, gặp
gỡ nhiều người dân bản địa
đã giúp anh thông thạo từng
bản, làng, dân tộc ở Sa Pa.
Đây chính là cơ sở và điều
kiện thuận lợi để người
hướng dẫn viên này mạnh dạn
đi sâu phát triển kinh tế du
lịch. Thế là, sau 4 năm làm
hướng dẫn viên tự do, anh
quyết định thành lập Công ty
Du lịch - Vận tải Sa Pa xanh
(Green Sa Pa tour). Hiện
tại, đây là một trong những
doanh nghiệp khai thác hiệu
quả loại hình du lịch cộng
đồng ở Sa Pa và có mối quan
hệ hợp tác tốt với nhiều
hãng lữ hành trong toàn
quốc. Nhân vật mà tôi nhắc
đến trong câu chuyện chính
là Giám đốc Công ty Green Sa
Pa tour - Đào Đức Phong.
Doanh nghiệp của giám đốc
trẻ này đang cung cấp các
sản phẩm và dịch vụ như:
Tour mạo hiểm, du lịch trải
nghiệm thực tế, homestay
chất lượng dịch vụ cao, nhà
hàng Sa Pa Home & Highland,
dịch vụ vận chuyển… Đến năm
2011 này, Green Sa Pa tour
doanh thu trên 4 tỷ
đồng/năm, có trên 40 nhân
viên với mức lương đạt trên
4 triệu đồng/người/tháng. Số
khách du lịch đến với công
ty đạt trên 4.000 lượt,
trong đó 80% là khách nước
ngoài.
Hai câu chuyện nghề khác
nhau, nhưng đó là những điển
hình tiêu biểu trong kinh tế
du lịch ở Lào Cai trong
những năm vừa qua. Mặc dù
gặp không ít khó khăn, nhưng
bằng những chiến lược đúng,
các doanh nghiệp đã nỗ lực
vượt khó để đạt hiệu quả
kinh doanh, góp phần vào sự
phát triển của ngành du lịch
địa phương.
Những con số biết nói
Đánh giá về chặng đường phát
triển của du lịch Lào Cai,
ông Nguyễn Đình Dũng, Phó
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể
thao và Du lịch cho biết:
Cách đây 20 năm, đến Lào Cai
tìm không có chỗ nghỉ, ngoài
nhà khách cấp 4 của UBND
tỉnh, nhà nghỉ Công đoàn Sa
Pa, nhà nghỉ của Công ty
Apatít Việt Nam… Nhờ tập
trung đầu tư có trọng điểm,
giờ đây, du lịch Lào Cai đã
có những bước đột phá. Các
trung tâm du lịch hình thành
rõ nét như: thành phố Lào
Cai, Sa Pa, Bắc Hà... Năm
đầu tiên ngành du lịch được
thành lập - Lào Cai mới chỉ
đón được 8.000 lượt khách,
doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng,
đến năm 2010, toàn tỉnh đã
đón trên 800.000 lượt khách.
Lào Cai đã có 410 cơ sở lưu
trú, tập trung tại Sa Pa,
Bắc Hà và thành phố Lào Cai,
trong đó có 44 khách sạn từ
1- 4 sao. Ngoài ra, còn hơn
90 nhà nghỉ lưu trú tại gia
ở các thôn, bản phát triển
du lịch cộng đồng. Một số dự
án đầu tư xây dựng cơ sở lưu
trú mới, chất lượng cao đang
được thực hiện đáp ứng nhu
cầu phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện
có 17 doanh nghiệp kinh
doanh lữ hành quốc tế và 20
doanh nghiệp kinh doanh lữ
hành nội địa; 1 công ty liên
doanh kinh doanh lưu trú và
vui chơi có thưởng; 1 doanh
nghiệp 100% vốn nước ngoài
kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Nguồn nhân lực du lịch đã có
bước phát triển đáng kể với
tổng số lao động du lịch
trên địa bàn tỉnh là 6.100
người, trong đó có khoảng
2.500 lao động trực tiếp; số
lao động được đào tạo, bồi
dưỡng về chuyên môn, nghiệp
vụ du lịch chiếm gần 40%.
Hiện nay, địa phương đang
khai thác 6 loại hình du
lịch chủ yếu là: Du lịch
tham quan nghỉ dưỡng;
trekking tour - du lịch cộng
đồng; du lịch sinh thái, mạo
hiểm; du lịch văn hóa,
nghiên cứu; du lịch cuối
tuần; du lịch hội nghị, hội
thảo... Trong đó, loại hình
du lịch cộng đồng hiện phát
triển mạnh nhất khai thác
nét đẹp văn hóa bản địa của
25 dân tộc anh em. Những con
số biết nói trên cho thấy,
du lịch Lào Cai đang phát
triển cả về lượng và chất.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm:
Hướng chiến lược phát triển
du lịch của Lào Cai là giữ
gìn bản sắc văn hóa các dân
tộc, bảo đảm môi trường sinh
thái để tập trung khai thác
du lịch văn hóa, sinh thái
và cộng đồng, nhanh chóng
tạo ra nhiều vùng, tuyến,
điểm du lịch trọng điểm hấp
dẫn khách. Hình thành từng
bước các tuyến, điểm du lịch
quốc tế nhằm thu hút được
nhiều khách từ thị trường
Tây Nam (Trung Quốc), đặc
biệt là các tuyến du lịch
Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
- Quảng Ninh. Bên cạnh đó,
tập trung nguồn vốn đầu tư
từ chương trình hành động
quốc gia về du lịch và của
tỉnh để xây dựng các khu du
lịch trọng điểm Sa Pa, Bắc
Hà, thành phố Lào Cai và một
số huyện khác; phát triển
nhanh nguồn nhân lực và xây
dựng vật chất kỹ thuật hiện
đại, giữ được cảnh quan môi
trường, bản sắc văn hóa dân
tộc, từng bước đưa Lào Cai
trở thành một trung tâm
thương mại - du lịch ở khu
vực Tây Bắc.
Hai mươi năm - thời gian
không phải là dài, nhưng
cũng đủ để ngành kinh tế du
lịch vùng biên cương Tổ quốc
tạo tiền đề vững chắc cho sự
phát triển mới.
|