Khai mạc lễ hội du lịch “Qua
miền Tây Bắc”
20h tối 27/8, lễ khai mạc
Ngày hội du lịch “Qua miền
Tây Bắc” lần đầu tiên sẽ
được tổ chức tại cao nguyên
Mộc Châu và được truyền hình
trực tiếp trên VTV1. Ngày
hội du lịch “Qua miền Tây
Bắc” sẽ kéo dài đến hết ngày
Quốc khánh 2/9.
Ngày hội du lịch “Qua miền
Tây Bắc” chủ yếu diễn ra tại
cao nguyên Mộc Châu của
huyện Mộc Châu, nơi được cho
là cửa ngõ của tỉnh Sơn La,
Tây Bắc. Ngày hội là sự kết
nối của các huyện trong tỉnh
Sơn La và có sự tham gia mở
rộng của 8 tỉnh Tây Bắc gồm:
Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Hà
Giang, Yên Bái, Điện Biên,
Lai Châu, Hòa Bình.
Ban tổ chức cho biết, Ngày
hội du lịch “Qua miền Tây
Bắc” sẽ có nhiều hoạt động
như: Khảo sát cung đường du
lịch Tây Bắc; Giới thiệu các
tour, điểm du lịch tại thành
phố Sơn La, Mường La, Yên
Châu, Mộc Châu; Hội trại văn
hóa, hội chợ du lịch và
thương mại; Hội chợ Thương
mại; Tuần phim và Ký sự du
lịch Tây Bắc; Thi đấu các
môn thể thao dân tộc và hoạt
động trò chơi dân gian…
Cũng nhân dịp này, Sở VHTTDL
Sơn La còn tổ chức Triển lãm
ảnh nghệ thuật “Bác Hồ với
sự nghiệp giải phóng phụ nữ”
và “Sơn La - đất nước, con
người”, Hội Xoè (dân tộc
Thái) tại bản Áng, xã Đông
Sang, huyện Mộc Châu... Đặc
biệt, Ngày hội du lịch “Qua
miền Tây Bắc” còn được địa
phương huy động mọi tổ chức
xã hội, đặc biệt là người
dân ở vùng sâu, vùng xa tham
gia vào các chương trình
giao lưu, hội trại văn hóa,
biểu diễn các tiết mục văn
nghệ, các môn thể thao dân
tộc, hoạt động trò chơi dân
gian tại sân vận động huyện
Mộc Châu như: bắn nỏ, đẩy
gậy, kéo co, tung còn, Rồng
ấp trứng, vật gậy, ném
pao...
Tây Bắc là vùng đất có cảnh
quan thiên nhiên hùng vĩ,
hoang sơ. Đây cũng là miền
đất với những cung đường
lịch sử, những địa danh ghi
dấu ấn vang dội một thời.
Bên cạnh đó, Tây Bắc còn là
nơi mang đậm bản sắc văn hóa
vùng miền, độc đáo và đa
dạng. Hy vọng, với Ngày hội
du lịch “Qua miền Tây Bắc”
lần đầu tiên được tổ chức,
các tỉnh Tây Bắc sẽ xây dựng
được tiêu chí và phấn đấu
thực hiện kinh doanh du lịch
liên kết vùng miền theo loại
hình du lịch lịch sử, văn
hóa kết hợp sinh thái trên
cơ sở tôn trọng và khai thác
tối đa các yếu tố: vẻ đẹp
cảnh quan tự nhiên, phong
tục tập quán, bản sắc văn
hoá của các dân tộc, các địa
danh lịch sử.
|