Khám phá quần thể hang động
mới được khảo sát tại Vườn quốc gia
Phong Nha – Kẻ Bàng
Quần thể vùng núi đá vôi của Vườn
quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng
Bình) được ví như một bảo tàng địa
chất khổng lồ mang ý nghĩa toàn cầu
bởi cấu trúc địa lý phức tạp, gắn
liền với chu kỳ kiến tạo và phát
triển của trái đất khoảng 400 triệu
năm trước. Năm 2009, đoàn thám hiểm
Hoàng gia Anh đã tiến hành khảo sát
hơn 20 hang động thuộc di sản Phong
Nha – Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn
Đoòng, được các nhà khoa học đánh
giá là hang động lớn nhất thế giới
hiện nay.
Hang Sơn Đoòng
Nằm cách nhánh tây đường Hồ Chí Minh
khoảng 10km đường rừng, thuộc vùng
lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ
Bàng, hang Sơn Đoòng được ông Hồ
Khanh, người xã Sơn Trạch (Quảng
Bình) phát hiện ra từ năm 1991,
nhưng cho tới tháng 4/2009 mới được
khám phá lần đầu tiên bởi đoàn thám
hiểm Hoàng gia Anh. Hang được đoàn
thám hiểm đặt tên là Sơn Đoòng do
nằm ở vùng Hạ Đoòng, thuộc xứ Đoòng.
Ngay sau khi được công bố, hang đã
nhanh chóng thu hút sự quan tâm chú
ý của nhiều hãng thông tấn lớn trên
thế giới và đã được tạp chí National
Geographic (Mỹ) đăng tải một số bài
viết ngợi ca: "Đây thực sự là
một hang động có tầm vóc hết
sức khác thường và là một
trong những phát hiện đa dạng
nhất mà đoàn thám hiểm của Anh
từng gặp".
Với chiều cao khoảng 200m, rộng 150m
và chiều dài mới được khảo sát cho
đến nay là hơn 6,5km, hang Sơn Đoòng
có độ lớn gấp 5 lần động Phong Nha
và có thể chứa được tòa nhà cao 40
tầng. Vào sâu trong hang, du khách
sẽ không khỏi choáng ngợp trước vẻ
đẹp tráng lệ và hùng vĩ của vô số
đại thạch nhũ, trong đó có nhiều cột
nhũ đá cao tới 70m. Trong lòng hang,
tại một điểm mà các nhà thám hiểm
gọi là Vườn địa đàng, du khách sẽ
bắt gặp một cánh rừng nhiệt đới kì
vĩ chan hòa ánh sáng và màu xanh
ngút ngàn của cỏ cây. Một vòm hang
bị sụp cách đây rất nhiều năm đã tạo
điều kiện để ánh sáng mặt trời chiếu
vào hang, hình thành nên khu rừng
nhỏ này. Tại đây, các nhà thám hiểm
đã thấy xuất hiện nhiều loài động
vật như chim, rắn, sóc, khỉ. Ngoài
ra, trong hang còn có một dòng sông
ngầm dài khoảng 2,5km. Dòng chảy của
con sông đã mang đến những chiếc vỏ
sò, tích tụ thành lớp trên lòng sông.
Cách Vườn địa đàng không xa còn có
“bộ sưu tập ngọc trai” khổng lồ bao
gồm hàng vạn hòn đá tròn, nhỏ nằm
lẫn giữa các kẽ đá trong lòng những
chiếc ao cạn. Hàng thế kỷ nay, cứ
vào mùa mưa, tinh thể canxi trong
nước lại bao bọc những hạt cát nhỏ
để tạo thành những “viên ngọc trai”
khổng lồ, tô điểm thêm cho vẻ đẹp kì
vĩ của hang động này.
Bên cạnh hang Sơn Đoòng, đoàn thám
hiểm Hoàng gia Anh còn khảo sát hơn
20 hang động khác ở khu vực Cha Lo (huyện
Minh Hóa) và huyện Bố Trạch với tổng
chiều dài các hang động là 34km.
Trong đó, tiêu biểu là hang Én - một
hang động ngầm được tạo ra bởi sông
Rào Thương, có hố sụn catxtơ sâu
nhất Việt Nam với độ sâu hơn 255m.
Vào mùa khô, dòng sông ngầm trong
hang thu hẹp thành các ao nhỏ, nhưng
đến mùa mưa có thể dâng cao hàng
chục mét. Bên cạnh đó, còn có hang
Ca Xay với hồ nước ngầm rộng 20m,
hang Loọng Con, hang Kén…
Việc khám phá ra hang Sơn Đoòng và
nhiều hang động khác tại tỉnh Quảng
Bình đã thu hút sự quan tâm của rất
nhiều nhà thám hiểm trên thế giới.
Đoàn thám hiểm của Hoàng gia Anh dự
kiến sẽ quay trở lại đây với những
thiết bị cần thiết để tiếp tục khám
phá những hang động này. |