Lũng Pô: Nơi núi sông vời
vợi ngàn trùng
Bao nhiêu năm nay tôi đã rong ruổi
khắp các tỉnh miền núi phía Bắc,
nhưng mãi tận hôm nay mới tới được
Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào
đất Việt.
Lòng tôi cứ rưng rưng trước lá cờ Tổ
quốc bay phần phật trên Trạm Biên
phòng Lũng Pô, rưng rưng nơi địa đầu
Tổ quốc, nơi sông núi vời vợi ngàn
trùng...
Nơi dòng Lũng Pô hòa vào sông Hồng.
Đầu năm 2011, huyện Bát Xát đặt một
tấm bia ở Lũng Pô, nơi dòng suối
Lũng Pô hoà vào dòng sông Hồng chảy
vào đất Việt. Trên tấm bia khắc hai
chữ "Lũng Pô" và câu thơ nổi tiếng
của Dương Soái "Nơi con sông Hồng
chảy vào đất Việt".
Lũng Pô, tiếng địa phương là Đồi con
rồng lớn, cũng có nghĩa là đầu rồng.
Từ trên cao nhìn xuống, dòng suối
Lũng Pô uốn khúc quanh một mỏm đồi
tựa đầu rồng hướng ra dòng sông
Hồng, hướng về cội nguồn Đất Tổ,
hướng về biển Đông nơi sinh ra dân
tộc Việt là con Lạc cháu Hồng. Nơi
mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng,
cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con
xuống bể, đời nọ nối đời kia xây
dựng nên nước Việt Nam hùng mạnh hôm
nay.
Cha ông ta gọi sông Hồng là sông Mẹ,
dòng sông như phun ra từ miệng con
rồng trên đất Lũng Pô qua triệu
triệu năm vẫn thao thiết chảy, mang
bao lớp phù sa mầu mỡ để bồi đắp nên
vùng châu thổ sông Hồng. Đứng trên
mảnh đất đầu nguồn của dòng sông Mẹ,
giữa bốn bề mây núi điệp trùng bất
chợt những câu thơ trong trường ca
"Mặt đường khát vọng" của Nguyễn
Khoa Điềm rung lên trong tôi: "Ôi
những dòng sông bắt nước từ đâu/Mà
khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu
hát/Người đến hát khi chèo đò, kéo
thuyền vượt thác/Gợi trăm màu trên
trăm dáng sông xuôi".
Dọc dòng sông Mẹ, đặt chân lên bất
cứ nơi nào ta đều bắt gặp những dấu
tích đánh giặc ngàn năm của cha ông
thuở trước, vẫn còn đây Hàm Tử Quan,
Chương Dương, Vạn Kiếp... vẫn còn
vọng đâu đây tiếng súng chiến thắng
sông Thao... Từ Lũng Pô xuôi về
Trịnh Tường có một cái thác, người
dân gọi là Thác Tây. Chuyện rằng:
Trong kháng chiến chống Pháp, quân
dân ta đã phục kích đánh đắm một
đoàn tàu chiến của giặc, giết chết
tên quan hai chỉ huy đoàn tàu vận
chuyển lương thực, khí tài lên đồn
Lũng Pô.
Ngược dòng sông Mẹ lên Lũng Pô hôm
nay, đã bao lần tôi phải dừng chân
trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ,
trước mỗi bản làng nhoà nhạt khói
sương, trước những cánh đồng ruộng
bậc thang vân vi dưới thung lũng
xanh thẳm... Lũng Pô, dòng suối đầu
nguồn biên giới mùa này đã ngả màu
đục phù sa, bắt nguồn từ đại ngàn
rừng xanh Ý Tý, dòng suối sau mùa
mưa xanh màu mực Cửu Long uốn lượn
quanh co điệp trùng dưới những đồi
chuối, đồi dứa leo lên tận mây
trời...
Từ trên cao nhìn xuống Trạm Biên
phòng Lũng Pô, ngôi nhà bát giác tựa
như bông sen nở rực rỡ giữa bạt ngàn
núi rừng. Lần đầu tiên đặt chân lên
ngọn nguồn đất nước, lòng tôi rưng
rưng và nước mắt cứ trào ra khi đọc
dòng chữ khắc trên tấm bia đá: "Lũng
Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất
Việt".
Thiếu tá Vũ Anh Điệp, Trạm trưởng
Trạm Biên phòng Lũng Pô cho hay: Tôi
đã 10 năm làm nhiệm vụ ở trạm biên
phòng này. Chúng tôi dựa vào dân để
nắm tình hình biên giới, nhiều năm
nay khu vực biên giới Trạm Biên
phòng Lũng Pô quản lý không xảy ra
tình trạng tranh chấp đất đai, hay
vượt biên trái phép, có thể nói là
ổn định... |