Ngành du lịch: Phát triển
nhưng vẫn thiếu liên kết
Mười tháng qua, lượng khách các nước
đến Việt Nam đạt 4,8 triệu lượt và
có khả năng vượt mốc 5,3 triệu lượt
theo kế hoạch của năm 2011. Nhưng dù
tăng trưởng như vậy, ngành du lịch
vẫn chưa phát triển tương xứng với
tiềm năng và lợi thế vốn có.
Tăng trưởng khá cao
Trong bối cảnh nhiều ngành
kinh tế gặp không ít khó khăn thì
ngành du lịch vẫn phát triển khá,
đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng
GDP. Theo số liệu của Tổng cục Thống
kê, tổng số khách nước ngoài đến
Việt Nam 10 tháng đầu năm 2011 đạt
4.830.604 lượt, tăng 15,8% (số %
tăng, giảm đều so với cùng kỳ năm
2010); trong đó, lượng khách đến du
lịch, nghỉ ngơi là 2.916.832 lượt
người, tăng 11,9%, khách đến vì công
việc là 804.096 lượt người, giảm
4,7%, khách đến thăm thân là 808.991
lượt người, tăng 71,9%, khách đến vì
các mục đích khác là 300.685 lượt
người, tăng 19,3%. Trong 10 tháng
qua, hầu hết các thị trường khách
đều tăng, trong đó tăng nhiều nhất
là thị trường khách Campuchia với
56,9%, tiếp đến là Trung Quốc 45,8%,
Malaysia 11,7%, Nhật 8,5%, Hàn Quốc
6%...
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổng
Cục phó Tổng cục Du lịch Việt Nam,
cho biết, có được thành công ấy là
do ngành du lịch đã tập trung xúc
tiến, quảng bá sản phẩm du lịch
tương đối bài bản, triển khai với
quy mô lớn hơn, thời gian dài hơn.
Các sản phẩm du lịch trong nước đã
khá đa dạng và có sức cạnh tranh;
dịch vụ không ngừng nâng cao; công
tác đào nguồn nhân lực được chú
trọng và hoạt động của các doanh
nghiệp du lịch ngày càng hiệu quả
hơn.
Với chủ đề trong Năm Du lịch
quốc gia 2011 là "Thiên đường du
lịch biển, đảo” đã tạo cơ hội để các
tỉnh duyên hải Nam Trung bộ nói
chung và Phú Yên nói riêng quảng bá
du lịch với quy mô quốc gia; giới
thiệu những nét đặc trưng, bản sắc
văn hóa truyền thống của mỗi địa
phương và toàn vùng, khai thác có
hiệu quả tiềm năng du lịch, xúc tiến
đầu tư, thu hút khách du lịch trong
nước và quốc tế, đã góp phần phát
triển du lịch Việt Nam. Song song đó
với thuận lợi về an ninh, chính trị,
việc đẩy mạnh liên kết xây dựng
ngành du lịch giữa ba nước Việt Nam
- Lào - Campuchia thành một điểm đến
hấp dẫn, đã giúp du lịch Việt Nam đủ
khả năng hoàn thành mục tiêu năm
nay.
Phát triển chưa bền vững
Mặc dù ngành du lịch đã đạt
được nhiều mục tiêu quan trọng, như
hoàn thiện hệ thống doanh nghiệp du
lịch tương đối vững mạnh; du lịch
phát triển góp phần quan trọng vào
sự phát triển kinh tế - xã hội, làm
thay đổi diện mạo một số vùng nông
thôn; thay đổi nhận thức của cộng
đồng, các cấp, các ngành... nhưng để
năm 2020 lượng khách quốc tế đến
Việt Nam đạt khoảng 10,3 triệu lượt,
khách nội địa đạt 47,5 triệu lượt,
mang lại doanh thu 19 tỷ USD theo
chủ trương của Chính phủ thì còn
nhiều việc phải làm. Ông Nguyễn Phú
Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt
Nam cho biết, ngành du lịch Việt Nam
vẫn chưa giải quyết được tình trạng
thiếu liên kết giữa các nhà đầu tư,
giữa địa phương và địa phương, mạnh
ai nấy làm, các sản phẩm du lịch
thường giống nhau, không có sự khác
biệt nên du khách lưu trú ít hơn và
không quay trở lại. Điển hình cho sự
thiếu liên kết, cạnh tranh không
lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung
cấp dịch vụ liên quan đến du lịch là
tình trạng giá phòng khách sạn luôn
bị đẩy lên cao vào các dịp lễ, Tết
hay vào mùa cao điểm.
Theo TS.Hà Văn Siêu, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du
lịch Việt Nam, cho đến nay, tài
nguyên du lịch cả tự nhiên và nhân
văn vẫn chưa được thống kê, đánh
giá, phân loại và xếp hạng để quản
lý khai thác một cách bền vững, hiệu
quả. Vì thế, khó tránh khỏi tài
nguyên du lịch bị khai thác bừa bãi,
hoặc mới dừng ở bề nổi, khai thác
cái sẵn có mà chưa phát huy giá trị
của sản phẩm du lịch. Sự xung đột về
lợi ích kinh tế giữa các chủ thể
kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn
hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới
một số tài nguyên du lịch bị tàn
phá, sử dụng sai mục đích, tác động
tiêu cực tới phát triển du lịch bền
vững. Bên cạnh đó, nhân lực du lịch
vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về tính
chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao
tiếp và chất lượng phục vụ. Ngành du
lịch đang thiếu đội ngũ lãnh đạo
doanh nghiệp du lịch kiểu mẫu với
yêu cầu cạnh tranh và hội nhập cao.
Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp
với nhiều loại hình du lịch và ứng
với các ngôn ngữ thuộc thị trường
mục tiêu vẫn chưa đầy đủ./. |