Phố Ràng - “nơi bến đợi, ga
chờ”
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà
trường, không ai là không biết đến
địa danh Phố Ràng như một kỳ tích
trận địa trong cuộc kháng chiến
chống Pháp qua câu thơ của nhà thơ
Tố Hữu "Nhớ Sông Lô, nhớ Phố Ràng…"
và giờ đây khi được sống và làm việc
ở miền đất Bảo Yên nơi có hai dòng
sông hiền hòa thơ mộng và những ngôi
nhà sàn đầy tình quê này, Phố Ràng,
một thị trấn nhỏ đã mang lại trong
tôi biết bao điều về cảm xúc của phố
núi đang tỏa mình cùng với thời
gian.
Quốc lộ 70 qua trung tâm thị trấn
Phố Ràng.
Nằm giữa trung tâm của huyện Bảo
Yên, một huyện cửa ngõ Lào Cai với
bao điều huyền thoại, Phố Ràng có
trục đường giao thông lan tỏa đi
khắp các xã của huyện. Khi đặt chân
đến trung tâm huyện Bảo Yên, du
khách sẽ đặt chân tới Phố Ràng, ngã
tư đường là nơi trung chuyển cho
những hành trình. Tại ngã tư này, là
nơi nghỉ chân của du khách trong
hành trình đến với Lào Cai. Ở đó,
Phố Ràng sẽ thể hiện những gì mà phố
núi có để chào đón du khách. Những
hàng cây xanh hai bên đường tạo bóng
mát và không khí mát lành khi đặt
chân đến đây. Người ta có thể thả
mình nhẹ nhõm mà đi dạo bộ khắp các
ngả đường của thị trấn nhỏ này.
Không những thế, Phố Ràng còn là con
phố sống hòa mình vào thiên nhiên,
bởi ranh giới giữa thị trấn và làng
và núi cách nhau không xa. Phía
trước mặt là phố xá tấp nập, nhưng
phía sau lại đã là làng, là núi rồi.
Chính vì vậy, khi đến với Phố Ràng,
người ta thấy thoảng đâu đó mùi vị
của rừng, của sông, của núi hòa
quyện vào không khí tấp nập của phố
tạo ra một cảm giác khó tả nhường
nào. Vào thời gian tháng Ba, tháng
Tư, đứng ở trung tâm ngã tư của thị
trấn, nhìn lên đỉnh núi cao trước
mặt, nơi có trạm viễn thông, du
khách sẽ chiêm ngưỡng những chùm hoa
ban trắng hồng xinh đẹp và thơm ngát
đang phô diễn sắc đẹp và đón chào du
khách. Vì thế, người già ở đây bảo
ngày xưa Phố Ràng còn có tên là làng
Ban vì có nhiều hoa ban nở. Rồi vào
mỗi buổi bình minh hay hoàng hôn
xuống, đứng ở Phố Ràng, người ta còn
cảm nhận được vị tanh nồng của nước
sông Chảy. Hình như dòng sông ấy là
nơi ban tặng nguồn cá vô tận cho thị
trấn này.
Không chỉ dành cho du khách hương vị
của sắc xanh phố núi, Phố Ràng còn
rộng lòng thết đãi bất cứ ai dừng
chân ở đây những ẩm thực mang bản
sắc địa phương làm cho du khách có
thể thưởng thức một lần mà nhớ mãi.
Hai bên đường phố, những nhà hàng
mọc lên xinh xắn là nơi du khách
được thưởng thức những món ăn mà
dường như chỉ Phố Ràng mới có. Hẳn
là khi đến đây, ai cũng mong muốn
được Phố Ràng thết đãi món ăn lạ mà
đậm đà dư vị. Khó quên được món thịt
lợn sấy thái mỏng xào lẫn cải nương
của người Mông xanh ngắt, ngăm ngăm
đắng, cũng không quên được miếng
măng đắng sau tết tháng Giêng chấm
với mẻ chua chưng cá suối đuôi hồng;
miếng lạp xường đỏ rọi giòn tan, rồi
món gà đồi, lợn cắp nách là những
sản vật của chính cư dân các dân tộc
nơi đây hội tụ về thành văn hóa ẩm
thực đa dạng. Có lẽ những món ăn dân
dã mà đậm đà này làm cho du khách
khó lòng có thể đi được.
Thật không hoài phí cho ai dừng chân
nơi Phố Ràng, bởi trong cuộc hành
trình của mình, du khách sẽ được
khám phá các mạch nguồn văn hoá, trở
về với trận địa xưa khi chúa Bầu xây
thành đắp luỹ. Vẫn còn đó sừng sững
oai phong thành cổ Nghị Lang hoà vào
trong dấu rêu phong lịch sử, vẫn còn
đó chùa Phúc Khánh linh thiêng toạ
lạc trên đồi cao, rồi bia lịch sử
của đội thanh niên xung phong Hà Nội
trong những ngày tiên phong đi khai
phá Quốc lộ 70… Trận địa Phố Ràng
còn âm vang mãi không chỉ trong tác
phẩm "Trận Phố Ràng" của tác giả
Trần Đăng mà còn có sức sống lâu bền
trong mỗi người dân nơi đây.
Nhưng có lẽ, Phố Ràng còn để lại ấn
tượng sâu đậm trong lòng du khách
bởi nét văn hóa riêng của mình. Cái
riêng của Phố Ràng được tạo bởi sự
hòa quyện bởi sự đa sắc màu văn hóa
của các dân tộc nơi đây. Nhiều người
khi đến Phố Ràng cứ nghĩ rằng có một
sự pha tạp nào đó trong vốn văn hóa,
nhưng kỳ thực không phải là như vậy,
bởi Phố Ràng có sự giao thoa nhiều
yếu tố văn hóa mang tính bản sắc.
Vào các buổi sáng và buổi chiều, Phố
Ràng lại rộn ràng, tấp nập người
Mông, người Tày, người Dao, người
Kinh cùng nhau đến bày bán sản vật
của mình, họ mang theo biết bao
nhiêu điều riêng của dân tộc mình
đến cho con phố nhỏ này thêm nhộn
nhịp. Tại hai bên cầu Phố Ràng, đồng
bào Mông với sặc sỡ váy áo bày bán
nào là rau xanh, nào là gừng, nào là
mía, nào là măng… rồi từ Việt Tiến
lên, những đọt măng vầu, những sọt
cam sành căng mọng được đồng bào Tày
mang đến góp vui. Thế rồi, Phố Ràng
cũng là thị trường cung cấp cho
người dân biết bao hàng hóa tiêu
dùng hàng ngày, là "bến xe" cho
người dân đi về các xã.
Buổi tối tại Phố Ràng mới ấm cúng
biết bao. Ngay tại ngã tư thị trấn,
cứ tối tối lại mọc lên những quán
xép nhỏ là không gian ẩm thực đã rất
quen thuộc với người dân nơi đây.
Ngay sát đường phố, trước cửa hàng
thương nghiệp, tối nào cũng bập bùng
bếp lửa, than hồng rực đỏ tỏa mùi
thơm của ngô nướng, chân gà nướng,
những nồi cháo nghi ngút. Nhìn vào
không gian đó, nhiều người cứ nghĩ
có gì đó chen lấn, xô bồ nhưng kỳ
thực không phải là như vậy. Nếu để ý
kỹ thì hình như không gian buổi tối
ở đó chỉ cất lên những lời trao đổi,
tâm sự nhỏ nhẹ mà không quá ồn ã.
Những chén rượu nồng bên bếp lửa
cùng hoà vào những lời tâm tư trò
chuyện của ai đó sau một ngày làm
việc, rồi những lời hỏi han của
khách quý mới ở phương xa về. Tất cả
đều được hội tụ ở không gian Phố
Ràng vào mỗi buổi đêm như thế. Không
quá ồn ã, không xô bồ mà Phố Ràng
bình yên trong tình người. Có lẽ vì
thế, từ lâu nay, không chuyến xe nào
trong hành trình xuôi ngược đều
không dừng lại ở Phố Ràng dù chỉ
trong chốc lát. Hình như ngã tư nơi
thị trấn này có sức cuốn hút rất lớn
đối với mỗi ai đi qua đây.
Có một nhà thơ vào một buổi chiều
mưa ở Phố Ràng đã ngẫu hứng làm một
bài thơ về Phố Ràng trong đó có đoạn
"Anh đưa em về với Phố Ràng xưa/Giữa
ngã tư buổi chiều hè tấp nập/Nơi hai
đầu là người đi xuôi ngược /Hai lối
kia là nỗi nhớ anh em"... Hình như
với mỗi người, Phố Ràng lại có một
sự hiện diện riêng trong cảm xúc,
Phố Ràng còn là nơi gửi gắm nỗi nhớ
mong chờ đợi của ai đó trong mối
tình đầu. Những cơn mưa ở thị trấn
nhỏ này bất chợt đến rồi bất chợt đi
làm cho hàng cây ở hai bên phố như
rùng mình cùng cảm xúc của du khách.
Còn đó, một chút gì như khó hiểu,
khó lòng định hình còn đọng lại
trong mỗi chuyến hành trình qua Phố
Ràng. Chỉ biết rằng, câu hát "Phố
Ràng ơi! Ai chờ đợi đó" cứ vang mãi,
vang mãi trong lòng du khách, cứ
thổn thức lòng ai mỗi khi nhớ đến
Phố Ràng. Và giờ đây, mỗi khi nhớ,
mỗi khi yêu, mỗi khi cảm về Bảo Yên,
hẳn trong lòng người không quên được
Phố Ràng "nơi bến đợi, ga chờ!". |