Qua miền Tây Bắc
Nói đến Tây Bắc là hình dung về một
miền núi non trùng điệp với những
nếp nhà chon von bên sườn núi, những
thửa ruộng bậc thang như vân tay,
những con người hồn hậu, chất phác
trong bộ trang phục đầy sắc màu thổ
cẩm…
Miền Tây Bắc còn là xứ sở của hoa
ban nở trắng rừng, miền đất của
những thiên tình sử, quê hương của
những vũ điệu dân gian sôi động, say
đắm lòng người...
Trên đỉnh đèo Hoàng Liên.
Ấn tượng từ những điệu múa dân
gian
Bên cạnh văn hóa trang phục (thổ cẩm),
văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực và
dân ca… người Việt Nam nói chung và
đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói
riêng từ xa xưa đã rất ưa thích múa.
Những điệu múa dân gian vùng Tây Bắc
vừa mang đậm bản sắc văn hóa các tộc
người, lại vừa thể hiện tính nghệ
thuật cao qua từng bước đi, điệu
nhảy. Trong mỗi điệu múa còn chứa
đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt
cách của người dân miền núi. Nổi bật,
có múa xoè Tây Bắc của người Thái
Điện Biên, Lai Châu.
Nói đến nghệ thuật dân gian của
người Thái không thể không nói đến
điệu múa xòe đặc trưng. Những cuộc
tụ họp đông vui có thể múa xoè quanh
đống lửa, quanh hũ rượu cần với sự
tham gia đông đảo của già, trẻ, trai,
gái trong tiếng chiêng, tiếng trống
rộn ràng. Các già làng cho biết có
tới 32 điệu xoè, nay chỉ còn giữ
được một số điệu. Có 2 loại xòe là
xòe vòng và xòe điệu. Xòe vòng sôi
nổi bao nhiêu thì xòe điệu nhẹ nhàng,
tinh tế bấy nhiêu. Trong xòe điệu
còn có xòe nón rất duyên dáng và hấp
dẫn... Các cô gái Thái trong điệu
xoè nón với chiếc nón trong tay lúc
chạm vào lúc mở ra từ từ từng cánh
như bông hoa trắng muốt. Có lúc nón
lao nhanh trên đầu, lúc lại nhẹ
nhàng quay trên vai, nghiêng nghiêng
bên má, khi e thẹn xoay tròn trước
ngực rồi lại dập dờn như cánh bướm
mùa xuân. Bắt nguồn từ cuộc sống,
những điệu múa dân gian của người
Thái Tây Bắc sống mãi với thời gian,
là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Để rồi qua mỗi điệu múa, đêm xòe,
mỗi người thêm yêu đời, yêu người,
tự tin bước vào một ngày mới tốt đẹp
hơn. Cũng vì vậy, các điệu múa Thái
đã trở thành vốn văn hóa quý báu, là
niềm tự hào của người Thái Tây Bắc
và dân tộc Việt Nam.
Múa sạp là điệu múa dân gian đặc sắc
của dân tộc Mường trong những dịp
vui, trong lễ hội xuân, khởi nguyên
từ vùng người Mường Hòa Bình, Sơn
La, ngày nay đã phát triển rộng ra
nhiều dân tộc khác. Đạo cụ cần thiết
cho múa sạp phải có hai cây tre to,
thẳng và dài làm sạp cái và nhiều
cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa.
Khi múa, người ta đặt hai sạp cái để
cách nhau vừa đủ gác hai đầu các cây
sạp con, từng cây sạp con đặt song
song, cách đều nhau chừng hai gang
tay tạo thành dàn sạp. Người múa
chia ra một tốp đập sạp và một tốp
múa, mỗi tốp có thể từ vài cặp trai
gái đến nhiều cặp, càng nhiều, đội
hình càng phong phú sinh động. Tốp
đập sạp: mỗi đôi trai gái ngồi hai
đầu một cặp sạp con và gõ theo nhịp
4/4, cứ ba lần gõ sạp con lên sạp
cái thì một lần gõ hai sạp con vào
nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho
múa, vừa gõ vừa hát. Tốp múa: lần
lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn
sạp, mỗi người cầm một chiếc khăn
màu dài, khi tung lên, khi uốn lượn
quanh người. Động tác khi lướt nhẹ
nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập
quay, nhảy, bay trên sạp; đội hình
uốn lượn quấn quýt, biến đổi ngang,
dọc, chéo, tròn, tất cả đều diễn ra
trên dàn sạp và phải đúng nhịp, làm
sao khi hai sạp con chập vào nhau
thì không bị kẹp chân. Cứ hễ hai tốp
gõ sạp và nhảy múa thay nhau trong
tiếng cồng, tiếng trống nhịp nhàng,
sôi động. Cuộc vui kéo dài không
biết chán, cuốn hút mọi người hào
hứng, say sưa.
Còn múa khèn là "sản phẩm" đặc trưng
của người Mông, trong đó biểu hiện
đậm đặc nhất là ở người Mông Sa Pa.
Ban đầu, múa khèn chỉ là hoạt động
trong tang ma, 6 ống khèn tượng
trưng cho tiếng khóc của 6 anh em
tiếc thương cha mẹ. Nhưng sau đó, vì
tính nghệ thuật rất cao, các động
tác biểu hiện tinh thần thượng võ và
phong tục của người Mông là luôn
trọng những chàng trai thổi khèn
giỏi, múa khèn hay, nên múa khèn
được đưa vào thành một nội dung thi
tài giữa các chàng trai trong các
cuộc vui, ngày hội, hoặc phiên chợ
xuân. Múa khèn biểu hiện tính cách
người trai mạnh mẽ, dũng cảm, nhanh
nhẹn, khéo léo, tài hoa với nhiều
yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật cao,
phải vừa thổi khèn vừa múa mà không
được để khèn ngắt quãng. Động tác
múa khèn phong phú, đa dạng. Người
ta thống kê được 33 động tác, tổ hợp
múa khèn. Trước đây, có bài khèn gốc
phải được múa trên bãi đóng 7 chiếc
cọc cao 50cm, người múa hết bài
không được rơi xuống đất. Cây khèn
vừa là nhạc cụ độc đáo, gồm nhiều
ống trúc nhỏ ghép lại, có thể thổi
hơi ra, có thể hít hơi vào; khèn vừa
là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với
dáng khum người và các thế quay,
nhảy... Tiếng khèn có thể một lúc
phát ra đa âm, nhiều bè, vang xa
trầm hùng như tiếng của gió ngàn,
của suối reo, chim kêu, vượn hót,
tiết tấu theo nhịp 4/4 hoặc 2/4
thích hợp với các động tác múa khèn.
Ngày nay, múa khèn Mông với các vũ
điệu đẹp, tài hoa, dũng mãnh và trữ
tình, có sức sống mãnh liệt, lâu bền
của văn hoá Mông, được yêu thích,
ngưỡng mộ, nhất là các du khách
trong nước và nước ngoài khi đến với
Sa Pa, đều háo hức tìm xem múa khèn.
Các dân tộc khác ở Tây Bắc cũng có
những điệu múa dân gian riêng, như
điệu tăng bu (dỗ ống) của dân tộc La
Ha với những cô gái nhún nhảy mềm
mại uyển chuyển trong tiếng đệm rộn
ràng của một dàn ống tre đục rỗng
mắt, hay những vũ điệu đầy sức hấp
dẫn với các động tác lắc mông, lượn
eo uyển chuyển của dân tộc Khơ Mú,
Xinh Mun thật sinh động và quyến rũ,
hay điệu múa chuông nổi tiếng của
dân tộc Dao. Điệu múa của dân tộc Lự
với nhịp gõ của chiếc ống nứa cũng
luôn hút hồn khách du lịch qua miền
Tây Bắc.
Múa
quạt.
Tây Bắc luôn vẫy gọi
Nói đến Tây Bắc, chẳng ai không biết
tới một "Lừng lẫy Điện Biên, chấn
động địa cầu". Ở thành phố Điện Biên,
bạn đừng quên đi tham quan hầm Đờ
Cát, cầu Mường Thanh, di tích đồi
A1. Bạn cũng đừng quên viếng thăm
nghĩa trang anh hùng liệt sĩ Điện
Biên Phủ, thắp một nén hương tưởng
niệm những người đã ngã xuống, sau
đó bạn hãy thong dong tới Bảo tàng
Điện Biên Phủ, nơi đây trưng bày
những hiện vật rất phong phú trong
cuộc kháng chiến, góp phần làm nên
chiến thắng Điện Biên. Bạn cũng đừng
quên đi thăm khu rừng nguyên sinh
Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy của
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lắng nghe
những câu chuyện xung quanh chiến
dịch Điện Biên Phủ.
Ở Lai Châu, bạn có thể tham quan các
di tích lịch sử văn hóa, như bia Lê
Lợi, thuộc xã Lê Lợi (huyện Sìn Hồ);
di tích kiến trúc nghệ thuật đền
Nàng Han, thuộc xã Mường So và xã
Khổng Lào (huyện Phong Thổ), di tích
lịch sử đồn Mường Tè.
Ở Yên Bái, bạn có thể tham quan di
tích đồn Nghĩa Lộ, có thể vượt đèo
Khau Phạ để tham quan cuộc sống của
hậu duệ những "chiến binh mây mù"
trên Sừng trời này; ruộng bậc thang
Mù Căng Chải cũng là một điểm đến
không thể bỏ qua, nhất là khi "tác
phẩm" về sự sáng tạo trong cuộc sống
của đồng bào Mông là ruộng bậc thang
đã được tôn vinh.
Còn ở Lào Cai, tỉnh vẫn được coi là
hình mẫu trong việc phát huy các
tiềm năng, thế mạnh để phát triển
kinh tế du lịch, thì có rất nhiều di
tích lịch sử văn hóa, hiện là điểm
đến không thể thiếu trong hành trình
du lịch "Về cội nguồn". Ngay trong
thành phố, có di tích lịch sử văn
hóa cấp quốc gia là Đền Thượng và
Đền Mẫu, được coi là cột mốc văn hóa
Việt Nam ngay địa đầu biên ải. Sa
Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên… là các
huyện đang làm rất tốt việc tôn tạo,
xây dựng các tuyến, điểm du lịch từ
di tích lịch sử văn hóa để phục vụ
du khách, phát triển kinh tế du lịch.
Vậy là, qua miền Tây Bắc hôm nay,
bạn có thể thưởng thức đầy đủ hương
thơm trái ngọt, đặc sản ẩm thực,
cùng với sinh thái trong lành, với
điều kiện di chuyển, ăn nghỉ rất
thuận lợi. Bạn có thể tự tìm cho
mình một hành trình theo hướng tìm
hiểu, khám phá nét văn hóa dân gian
đặc sắc, hoặc tham quan những di
tích lịch sử văn hóa, thỏa mãn nhu
cầu văn hóa tâm linh ở những ngôi
đền, chùa đã trải qua bao thế kỷ…
Tây Bắc vẫn luôn vẫy gọi du khách
bốn phương.
|