Sa Pa: Phát triển du lịch
cộng đồng
LCĐT - Cùng với khai thác
giá trị cảnh quan thiên
nhiên, Sa Pa đang hướng đến
việc phát triển du lịch cộng
đồng, nhằm phát huy bản sắc
văn hoá truyền thống dân
tộc.
Khác hẳn những điểm du lịch
trong và ngoài nước, Sa Pa
được coi là vùng đất có tiềm
năng phát triển du lịch cộng
đồng, bởi nơi đây không chỉ
có vẻ đẹp thiên nhiên mà còn
ẩn chứa kho tàng văn hoá
truyền thống đặc trưng.
Chính vì lẽ đó, từ năm 2008,
với sự giúp đỡ của Tổ chức
Bảo tồn thiên nhiên thế giới
(IUCN) và Tổ chức Phát triển
Hà Lan (SNV), huyện Sa Pa đã
xây dựng thí điểm Dự án "hỗ
trợ du lịch bền vững". Đây
được coi là điểm đột phá
trong phát triển du lịch của
huyện và của tỉnh.
Với mục tiêu đào tạo, nâng
cao nhận thức cho người dân,
đặc biệt là đồng bào các dân
tộc thiểu số ở Sa Pa trong
việc kinh doanh du lịch, giữ
gìn bản sắc văn hóa các dân
tộc, sau gần 4 năm thực
hiện, dự án hỗ trợ du lịch
cộng đồng bền vững tại Sa Pa
đã đạt hiệu quả thiết thực.
Năm đầu triển khai thí điểm
tại 2 thôn Cát Cát và Sín
Chải (xã San Sả Hồ) có sự
tham gia của 4 hộ dân, đến
nay đã nhân rộng ra nhiều xã
trong huyện như: Tả Van, Lao
Chải, Tả Phìn, Nậm Cang, với
sự tham gia của hàng trăm hộ
dân làm du lịch. Tiêu biểu
như thôn Cát Cát, chỉ từ 3
hộ ban đầu tham gia dự án,
đến nay đã có trên 30 hộ
kinh doanh du lịch theo hình
thức cộng đồng, đáp ứng nhu
cầu ăn, nghỉ, tham quan của
khách du lịch, góp phần nâng
cao thu nhập cho người dân
địa phương. Điều đặc biệt,
dự án được thực hiện đã tạo
động lực cho du lịch Sa Pa
phát triển bền vững. Không
chỉ hướng dẫn đồng bào các
hoạt động đón tiếp, bố trí
nơi nghỉ cho du khách có nhu
cầu tham quan, du lịch khám
phá thiên nhiên, phong tục,
tập quán sinh hoạt, lao
động, sản xuất của những hộ
đồng bào dân tộc Mông ở địa
phương, mà dự án còn hướng
dẫn người dân làm du lịch
một cách bài bản như: vệ
sinh nhà cửa sạch sẽ, đón
khách, kĩ năng giao tiếp,
thành lập các đội văn nghệ
ngay tại thôn bản biểu diễn
phục vụ khi khách có nhu
cầu. Bên cạnh đó, dự án cũng
đã khuyến khích các hộ dân
trong thôn bảo tồn và phát
triển một số ngành nghề
truyền thống, như: thêu, dệt
thổ cẩm, rèn, đúc, chạm khắc
đồ thủ công mỹ nghệ, tạo ra
những sản phẩm du lịch đặc
sắc. Tại những địa phương
này, người dân đã đầu tư xây
dựng các cơ sở lưu trú, ăn
uống, nhiều ngôi nhà sàn đã
trở thành nơi nghỉ lý tưởng
của khách du lịch. Mỗi hộ
dân như một điểm nhà nghỉ
với sắc thái và đặc trưng
riêng, tạo cảm hứng mới lạ
cho khách du lịch khi nghỉ
qua đêm. Một trong những địa
chỉ làm du lịch cộng đồng
gây ấn tượng phải kể đến
đồng bào thôn Bản Hồ (xã Bản
Hồ), ở đây với sự giúp đỡ và
hướng dẫn của chính quyền
địa phương và các đơn vị
chức năng đã có 32 hộ đồng
bào người Tày trong xã cải
tạo nhà sàn rộng rãi, thoáng
mát với đầy đủ tiện nghi,
đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của
du khách. Theo đó, các nét
đẹp truyền thống, như: dệt
vải, hát then, đàn tính của
đồng bào cũng được khôi
phục, thoả mãn nhu cầu tìm
hiểu phong tục, tập quán của
du khách tham quan. Từ mô
hình kinh doanh du lịch cộng
đồng, nhiều hộ đã có thêm
nguồn thu nhập từ 40 - 50
triệu đồng/năm, góp phần
nâng cao đời sống, xoá đói,
giảm nghèo.
So với các loại hình du lịch
thì du lịch cộng đồng được
coi là thế mạnh tại Sa Pa,
bởi không chỉ khách trong
nước mà hầu hết du khách
nước ngoài mỗi khi đến Sa Pa
đều lựa chọn loại hình du
lịch này. Theo điều tra của
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên
thế giới (IUCN), một trong
hai đơn vị tài trợ ban đầu
cho dự án hỗ trợ du lịch bền
vững tại Sa Pa thì hơn 70%
số du khách quốc tế đến Sa
Pa có nhu cầu đi du lịch đến
các bản, làng đồng bào dân
tộc thiểu số. Tuy nhiên,
hoạt động du lịch cộng đồng
tại các bản làng vẫn chưa
khai thác hết tiềm năng thế
mạnh, chưa kéo dài được thời
gian lưu trú của du khách,
do các hoạt động du lịch còn
nghèo nàn cả về mặt nội dung
và hình thức, cũng như việc
tạo ra các sản phẩm du lịch
độc đáo mang tính vùng miền.
Vì vậy, để khai thác tiềm
năng lĩnh vực này, huyện Sa
Pa đã chỉ đạo các xã, các cơ
quan chuyên môn, ngoài việc
hướng dẫn người dân làm du
lịch, tiếp tục tập trung vào
bảo tồn, phục dựng những nét
đẹp văn hoá truyền thống các
dân tộc vùng cao, nhằm tạo
ra những sản phẩm du lịch
độc đáo, mang tính đặc
trưng, thu hút ngày càng
đông du khách tham quan. Bên
cạnh đó, đầu tư mở rộng các
tua, tuyến du lịch sinh
thái, bản làng mới và tập
trung vào một số khu vực hạ
huyện, như: Thanh Phú, Nậm
Sài, Thanh Kim là những khu
vực tập trung đông đồng bào
dân tộc thiểu số, có nhiều
nét văn hóa đặc sắc vùng
cao.
Phát triển du lịch cộng đồng
trên cơ sở giữ gìn và phát
huy bản sắc văn hoá dân tộc,
bảo vệ môi trường và cảnh
quan thiên nhiên là hướng đi
bền vững của du lịch Sa Pa.
Với tiềm năng, thế mạnh của
mình, Sa Pa có triển vọng
phát triển nhiều loại hình
du lịch văn hoá chất lượng
cao, kết hợp du lịch cộng
đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đây sẽ là điểm đến lý tưởng
cho du khách trong và ngoài
nước khi đến Sa Pa, với
nhiều cơ hội lựa chọn các
sản phẩm du lịch đa dạng,
phong phú và độc đáo tại địa
phương.
|