Trước đây trong các cuộc thi cây
cảnh, chúng ta thường dựa vào quy
chuẩn của những cây cảnh cổ để xem
xét, đánh giá. Trước hết là xem xét
đánh giá việc tạo dựng cây cảnh có
đúng niêm luật như đã quy định từ
xưa hay không? cụ thể là xem xét
đánh giá bộ phận gốc rễ, tiếp đến là
thân, cành, tán, lá... và tất cả các
bộ phận đó có hài hoà cân đối không,
có thể hiện được sự già cỗi và tuổi
đời lâu năm hay không...
Việc xem xét đánh giá từng bộ phận
như trên vẫn có phần đúng và có thể
ứng dụng cho hiện nay nhưng không
phải là sự tuân thủ những niêm luật
cứng nhắc xưa cũ. vì vậy xét về căn
bản, những quy chuẩn kể trên phù hợp
với lối tạo hình sao chép vốn cổ nên
không còn phù hợp hoàn toàn với lối
tạo tác cây cảnh đương đại mang tính
phóng khoáng sáng tạo. Do đó nhiều
năm qua những người nghiên cứu, tạo
tác và chơi bộ môn nghệ thuật này đã
tốn nhiều tâm lực nhằm tìm ra những
tiêu chí cơ bản để đánh giá một cây
cảnh nghệ thuật (CCNT) như thế nào
là chuẩn xác.
Kết cục, Thuật ngữ " Cổ - Kì - Mĩ "
lần đầu tiên được phát ra trên cầu
truyền hình " Tết làm điều hay " vào
tối 4/2/2007 và sau đó thuật ngũ này
chính thức xuất hiện bằng văn tự
trên tạp chí VNHS số tháng 3/2008.
Đến nay, thuật ngữ " Cổ - Kì - Mĩ "
đã thâm nhập vào đời sống và được
cuộc sống chấp nhận, coi đó là 3
tiêu chí cơ bản để đánh giá một CCNT.
Đa số người làm và chơi cây cảnh đều
hiểu đúng hiểu sâu sắc 3 từ " Cổ -
Kì - Mĩ " nhưng cũng còn một số
người hiểu chưa thấu đáo cho lắm.
Những người hiểu đúng, hiểu sâu
không coi từ "Cổ" đơn thần là già
lão - sống lâu năm mà còn đề cao tài
năng của người tạo tác đã biến một
cây không có tuổi đời cao thành một
cây cổ lão; cũng không coi cái "Kì"
đơn thuần chỉ là cái kỳ là càng
không phải là kì quặc mà là cái mới
cái không giống ai trong tạo tác
hình tượng nghệ thuật; cũng không
coi cái "Mĩ" chỉ đơn thuần là cái
đẹp hình thức mà còn là cái đẹp nội
dung mang ý nghĩa nhân văn truyền
thống và hiện đại sâu sắc.
Người hiểu đúng và hiểu sâu sắc
không câu nệ vào thứ tự trước sau
của 3 từ " Cổ - Kì - Mĩ " để rồi coi
cái "Cổ" là tiêu chí số 1, tiêu chí
đầu tiên và quan trọng nhất, hoặc
coi yếu tố "Kì" và "Mĩ" chỉ là thứ
yếu, đứng hàng thứ 2, 3; ngược lại,
hiểu sâu sắc rằng cái "Mĩ" mới là
tiêu chí số 1 mới là tiêu chí đầu
tiên và quan trọng nhất. Đó là cái "Đẹp"
thống nhất biện chứng giữa hình thức
và nội dung của hình tượng nghệ
thuật. Và trong cái "Mĩ" của một cây
cảnh nghệ thuậ đã có yếu tố của cái
"Kì" và cái "Cổ" rồi. Phải nhìn tổng
thể tác phẩm để đánh giá, từ hình
dáng cây đến đôn chậu, thảm rêu...
tất cả phải hài hoà, hợp lý.
Có ý kiến muốn đưa thêm tiêu chí thứ
tư đó là " Cổ - Kì - Mĩ - Văn " là
không cần thiết vì như trên đã trình
bày trong cái "Mĩ" không thể thiếu ý
nghĩa nhân văn cao cả mà tác giả gửi
gắm.
Một số người do chưa hiểu thấu đáo
tiêu chí " Cổ - Kì - Mĩ ", coi yếu
tố "Cổ" là yếu tố đầu tiên và quan
trọng nhất nên khi đứng trước một
tác phẩm cây cảnh, việc đầu tiên là
xem cây cảnh đó có thực cổ lão, có
thực lâu năm và hoành tráng hay
không. Thứ đến là xem cây cảnh đó có
nét kỳ lạ, kì quái gì không. Và hầu
như rất ít quan tâm đến cái đẹp của
hình tượng nghệ thuật. Vì lệ đó cứ
thấy một cây có yếu tố cổ lão và kì
quái thì cho là của độc, của quý
hiếm, có giá trị kinh tế cao, đáng
"ôm" về chơi dù giá cả "trên trời"! |