Thân thiết Xín Mần
Xin nói ngay, tình thân
thiết ở đây không hề xa vời,
mà là có những hoạt động và
những điểm tương đồng rất cụ
thể.
Thứ nhất, là huyện bạn của
Hà Giang giáp giới với 2
huyện Bắc Hà và Si Ma Cai
của Lào Cai, thường xuyên
tham dự những sự kiện văn
hóa - thể thao - du lịch của
"hàng xóm" với lòng nhiệt
tình và tinh thần giao lưu
thân mật; thứ hai, Xín Mần
là huyện có cùng dòng sông
Chảy với 4 huyện phía đông
tỉnh Lào Cai; thứ ba, Xín
Mần cũng có bãi đá cổ với
nhiều hình thù bí ẩn, lưu
truyền thông điệp từ ngàn
xưa như
Sa Pa. Xín Mần cũng là
nơi cư trú của đồng bào Mông,
Nùng, La Chí, Phù Lá... và
trong quy hoạch du lịch vùng
Tây Bắc mở rộng của Tổng cục
Du lịch, cung đường Bắc
Hà - Xín Mần được xếp vào
một trong những cung đường
đẹp nhất Đông Nam Á.
Phong cảnh núi non hùng vĩ ở
Xín Mần tương đồng với phong
cảnh Bắc Hà, Si Ma Cai.
Huyện lỵ của Xín Mần đặt tại
thị trấn Cốc Pài cheo leo
mây ngàn núi đá. Huyện Xín
Mần có 19 đơn vị hành chính
gồm 1 thị trấn và 18 xã.
Trên địa bàn huyện vùng cao
của Hà Giang này, có 13 dân
tộc cùng sinh sống, trong đó
đông nhất là dân tộc Nùng
chiếm gần 50%, còn lại là
các dân tộc Mông, Tày, Dao,
Kinh, La Chí, Phù Lá, Hoa,
Cao Lan. Ở đây là nơi quần
tụ đông nhất của tộc người
La Chí trong toàn quốc (còn
có tên là Cù Tê) rất giỏi
trồng lúa trên ruộng bậc
thang và trồng lúa, ngô,
khoai, sắn trên nương. Những
nương màu mỡ nhất bao giờ
cũng được người La Chí để
dành dùng trồng bông và cây
chàm. Người La Chí thường
sống ở khu vực sườn núi cao,
nhà nửa sàn, nửa đất, phần
đất dùng làm bếp và phần sàn
dùng làm nhà ở. Trang phục
của đàn ông La Chí là áo dài
nhuộm chàm, cài khuy cánh
trái. Phụ nữ chủ yếu mặc
quần hoặc váy thêu, bên
ngoài là chiếc áo dài xẻ
ngực không cài cúc, dùng
thắt lưng vải để giữ vạt áo.
Người La Chí có những câu
chuyện kể, giải thích nguồn
gốc con người, nguồn gốc dân
tộc và nguồn gốc mặt trời,
cây lúa.
Xín Mần là huyện giàu tiềm
năng du lịch của Hà Giang
với 2 di tích cấp quốc gia
là Bãi đá cổ Nấm Dẩn và khu
di tích lịch sử Nàn Ma.
Ngoài ra, Xín Mần còn có
những điểm du lịch sinh thái
như: suối nước nóng Quảng
Nguyên, hang Thiên Thủy.
Ngày 30 tháng Giêng hằng năm
là ngày mà các dân tộc sống
ở xã Nàn Ma đều tổ chức lễ
cúng thần rừng. Khi đến Xín
Mần, du khách có thể thưởng
thức các loại đặc sản nổi
tiếng, như gạo Già Dui, mận
Nàn Ma, chè Chế Là, miến
dong Cốc Rế, rượu ngô Làng
Táo. Rượu ngô Làng Táo có
nét tương đồng về cách nấu
như rượu ngô Bắc Hà, Si Ma
Cai, nhưng nồng độ nhẹ hơn
nhiều, chỉ khoảng 25 độ.
Rượu được đóng chai 300 ml
và 500 ml, được huyện đỡ đầu
đăng ký nhãn mác, có mã số,
mã vạch hợp chuẩn quốc tế,
tạo thương hiệu và sự tin
cậy cho người dùng.
Điểm du lịch hấp dẫn được
công nhận di tích quốc gia
là bãi đá cổ Nấm Dẩn thuộc
địa phận xã Nấm Dẩn. Năm
2004, các nhà khoa học Viện
Khảo cổ học và Bảo tàng Hà
Giang đã phát hiện ra bãi đá
cổ Nấm Dẩn. Bãi đá cổ Nấm
Dẩn cách trung tâm huyện lỵ
Xín Mần 16 km, du khách có
thể đến nơi đây từ huyện Bắc
Quang qua đèo Gió, hoặc từ
Bắc Hà (Lào Cai) lên Lùng
Phình, rẽ phải theo con
đường đi Xín Mần, qua thị
trấn huyện lỵ vùng cao Cốc
Pài sẽ gặp bãi đá cổ. Ngày
4/4/2008, bãi đá cổ Nấm Dẩn
xếp hạng di tích quốc gia,
đây là bãi đá cổ thứ 2 (sau
bãi đá cổ Sa Pa) được tìm
thấy ở Việt Nam và được xếp
hạng di tích quốc gia. Theo
tiếng dân tộc Nùng bản địa,
Nấm Dẩn có nghĩa là khu vực
nguồn nước. Toàn bộ quần thể
đá cổ Nấm Dẩn nằm giữa dãy
núi Tây Ðản phía Bắc và dãy
núi đồi Nấm Dẩn ở phía Nam,
gần sát với con suối Nậm
Khoòng trên độ cao trung
bình khoảng 1.400m so với
mực nước biển. Bãi đá cổ Nấm
Dẩn nằm trên diện tích gần
15 ha. Tại đây có 8 di tích
chạm khắc cổ, 2 di tích cự
thạch cổ và nhiều tảng đá có
hình dạng và tư thế kỳ lạ
như hình chiếc ghế, bàn cờ.
Những họa tiết trên đá ở bãi
đá cổ Nấm Dẩn gồm hình tròn,
tam giác, chữ nhật hoặc hình
thang; những họa tiết hình
chân tay người kích thước
gần như thật; những hình vẽ
biểu trưng cho nữ giới, hình
người trong tư thế dang hai
chân, hai tay. Trong quần
thể đá cổ có một số hình như
mô tả ruộng bậc thang, đồi
núi, còn lại là những hình
vẽ có hình thù chưa được xác
định. Người dân tộc Nùng gọi
quần thể di sản văn hoá đá
cổ có tên là "nà phảư lai
shử (có nghĩa là khu ruộng
có đá vẽ hình chữ). Các hình
vẽ trong quần thể văn hóa đá
cổ Nấm Dẩn mô tả cuộc sống
sinh hoạt của con người như:
ruộng bậc thang, suối, vầng
trăng, nhiều hình tròn, hình
bàn tay, bàn chân, hình khắc
sinh thực khí...
Tảng đá thứ nhất nằm cách
bãi đá có hình khắc cổ
khoảng 700m về phía Đông, là
một tấm đá phiến mác - ma
biến chất dài khoảng 2,3m,
rộng khoảng 1m, dày khoảng
40 cm, bề mặt khá phẳng.
Trên bề mặt và ở các rìa
cạnh của phiến đá còn giữ
nguyên trạng thái phong hóa
tự nhiên. Tảng đá thứ 2 nằm
cách tảng đá thứ nhất 70m về
phía Tây. Theo các nhà khoa
học, di tích cự thạch Nấm
Dẩn là loại hình di tích
khảo cổ có niên đại khoảng
2.000 năm và rất hiếm có ở
Việt Nam. Loại hình di tích
này còn được gọi là Dolmel,
một trong những loại hình
của văn hóa cự thạch
(Megalithic culture). Những
phiến đá này có thể là di
tích mộ của thủ lĩnh cộng
đồng hoặc là khu đất thiêng,
thờ cúng thần linh, tổ tiên
và các nhân vật lỗi lạc của
cộng đồng dân cư. Ngoài ra,
các nhà khoa học còn cho
rằng, di tích cự thạch Nấm
Dẩn có khả năng liên quan
tục thờ thần đá của các cư
dân tiền sử ở đây.
Hòn đá có khắc hình bí ẩn
trong bãi đá cổ Nấm Dẩn.
Như
vậy, với nhiều nét tương
đồng và là "hàng xóm", Xín
Mần (Hà Giang) và Bắc Hà (Lào
Cai) có con đường kết nối
giao lưu thuận lợi và thân
thiết. Sự kiện gần đây nhất,
Xín Mần đã cử đoàn ngựa đua
sang tham dự giải đua ngựa
Bắc Hà mở rộng và mang nông
sản hàng hóa sang giới thiệu
ở chợ phiên văn hóa Bắc Hà.
Tuy còn là một huyện nghèo
của Hà Giang, nhưng Xín Mần
đang được sự hỗ trợ của
Chính phủ và vươn lên mạnh
mẽ nhờ phát huy các nguồn
lực. Trong nay mai, cung
đường Lùng Phình - Cốc Pài
được hoàn thành nâng cấp, sẽ
mở ra thuận lợi lớn cho giao
lưu kinh tế - văn hóa, đặc
biệt là phát huy tiềm năng
kinh tế du lịch để Bắc Hà -
Xín Mần thêm hấp dẫn, thu
hút nhiều du khách trong và
ngoài nước. |