Tiềm năng du lịch trên cánh
cung Bát Xát
Vietdiscovery - Đây là vòng
cung Tây Bắc Lào Cai, địa
bàn huyện Bát Xát. Độc đáo
một cung đường ven sông Hồng
ngược lên điểm Lũng Pô nơi
dòng sông chở nặng phù sa từ
nước bạn Trung Quốc tiếp cận
vào đất Việt; một con dốc
vắt ngược lên núi cao mà các
bác tài đặt cho cái tên rất
tượng hình là “dốc lò xo”,
đến A Lù; rồi vượt qua mỏm
đá sừng sững Ngải Thầu lên Y
Tý trập trùng biển mây cùng
những cánh rừng già, có làng
người Hà Nhì giữ gìn bản sắc
văn hóa truyền thống. Rồi
xuôi dốc Dền Sáng, qua Sảng
Ma Sáo về Mường Hum nghe
tiếng suối ngàn hát bài dân
ca muôn thuở, hòa mình vào
phiên chợ đậm đặc sắc màu…
Bát Xát đang là một kỳ vọng
của Du lịch Lào Cai, bên
cạnh Sa Pa - Bắc Hà đã trở
thành thương hiệu.
Khởi hành từ trung tâm huyện
Bát Xát lúc 9 giờ, đoàn xe
vượt lên qua ngã tư Bản Vược.
Nơi đây đúng là một đầu mối
giao thông quan trọng của
Bát Xát. Trước mặt là đường
lên Trịnh Tường - Nậm Chạc -
Lũng Pô (phía Bắc), tay phải
là đường ra cửa khẩu, tay
trái là đường vào Mường Vi -
Bản Xèo - Mường Hum, còn sau
lưng là xuôi về thành phố.
Xưa người Pháp chọn nơi này
làm đất huyện lỵ, nhưng sau
này, ta sơ tán huyện lỵ vào
Bản Xèo do chiến tranh biên
giới, rồi khi quyết định rời
Bản Xèo, lại chọn Bản Lợi,
nơi có đồng bãi bằng phẳng
và gần tỉnh để xây dựng
huyện ly ngày nay. Tôi biết,
có một số già làng vẫn bày
tỏ ước ao trung tâm huyện
rồi sẽ trở về Bản Vược, để
trung tâm hành chính của Bát
Xát nằm trên khu vực tấp nập
trên bến dưới thuyền, trên
ngã tư đầu mối giao thông -
giao thương, thuận tiện với
sự hội tụ và tỏa rộng của
vùng đất địa đầu này. Rẽ
trái đi Mường Vi, Mường Hum;
rẽ phải ra cửa khẩu và cũng
là gặp sông Hồng, đi thẳng
thì ngược lên Trịnh Tường,
Lũng Pô; ngược trở lại là ra
thành phố… Đoàn chọn đường
đi thẳng ngược lên, gặp các
nhà máy thuộc tổ hợp đồng
Sinh Quyền đang hối hả sản
xuất. Nơi đây có dòng ngòi
Phát đổ ra từ dãy núi Chi
Quan San hùng vĩ phía Mường
Hum - Bản Xèo, địa chất nơi
này mang trong lòng trữ
lượng quặng đồng hàng triệu
tấn.
Lên nữa, qua Cốc Mỳ là tới
Trịnh Tường, thị tứ nằm sát
dòng sông Hồng biên giới, có
chợ phiên luôn đông đúc sắc
màu thổ cẩm, người Dao Đỏ từ
các bản khe núi mang nông
sản tới, người Hà Nhì trên
Lao Chải San mang rau xanh
xuống, người Kinh từ huyện
mang đồ dùng gia đình lên,
người Giáy bản địa mang hàng
xén bày chợ, thấp thoáng màu
áo thanh niên tình nguyện
của những người đang xây
dựng làng thanh niên lập
nghiệp biên giới và màu áo
xanh biên phòng… Lên nữa,
qua Nậm Chạc, tới A mú sung,
ai cũng thấy dâng trào cảm
xúc khi đứng bên cột mốc số
92, nơi ngã ba sông - suối
Lũng Pô, nơi con sông Hồng
bắt đầu vào đất Việt một bên
bờ. Lũng Pô, theo truyền
thuyết là con rồng Cha của
tất cả các con rồng trên dải
biên giới phía Bắc. Trên dải
biên giới này, rất nhiều địa
danh mang tên rồng, nhưng
con rồng ở vị trí địa lý đầu
nguồn sông Hồng - con sông
mẹ chở nặng phù sa bồi đắp
nên đồng bằng châu thổ Bắc
Bộ Việt Nam - được dân gian
gọi là Rồng Cha, có lẽ đây
là sự tôn vinh hợp lý với
vai trò, vị thế nơi đầu
nguồn sông Hồng vào đất Việt.
Tại điểm chốt Lũng Pô có
trạm biên phòng xây theo
hình bát giác, từ xưa, các
quan binh triều đình đã
trồng một lũy tre mang dáng
vóc Việt Nam nơi địa đầu
biên ải. Qua bao thăng trầm,
lũy tre nay vẫn vươn xanh,
vẫn rì rào với gió như câu
hát ru của những người vợ
miền xuôi tâm sự với con thơ
nỗi nhớ mong người chồng đi
giữ nước. Lũng Pô sẽ là một
điểm đến thú vị cho du khách
dừng chân ngắm cảnh và chụp
ảnh lưu niệm nơi biên cương.
Lên chút nữa, là tới thôn
Lũng Pô 2, một thôn toàn
người Mông định cư sinh sống
sát biên giới. Đồng bào ở
đây vẫn giữ được bản sắc
truyền thống, đang ngày đêm
chăm chỉ làm lụng, chịu
thương chịu khó, bám trụ ven
thân hình Rồng Cha. Những
ngôi nhà khung gỗ vững chãi
bên sườn núi, thấp thoáng
mái trường tinh khôi với
tiếng trẻ tập hát dân ca,
thấp thoáng bóng váy áo Mông
sắc chàm xen lẫn sắc đỏ, sắc
xanh trên những vạt dứa mới
trồng… Hoàn toàn xứng đáng
là một địa điểm tham quan,
tìm hiểu về văn hóa tộc
người Mông nơi biên giới.
Qua Lũng Pô, đường tuần tra
biên giới đến A Lù, một xã
gần như hoàn toàn người Dao
Đỏ. Người Dao ở đây vẫn giữ
được phong tục truyền thống
và rất hiếu khách. Vượt lên
chút nữa là Ngải Thầu, rừng
già tỏa bóng trầm mặc trên
những vách đá cao uy nghi,
con đường như sợi chỉ vắt
giữa một bên là vách đứng,
một bên là vực sâu thăm thẳm,
tít dưới đáy vực ảo huyền
sương khói chính là dòng
suối Lũng Pô. Bước qua điểm
phân thủy của dòng suối là
sẽ chạm nước bạn Trung Quốc.
Đến Y Tý, có một điểm du
lịch không thể bỏ qua, là
xuôi chục cây số xuống đáy
thung lũng, nơi đó có cây
cầu Thiên Sinh kỳ vĩ. Dãy
núi đá hoa cương cao ngất
bỗng tách đôi như một vết
chém khổng lồ, tạo thành một
khe hở chỉ chừng gần nửa mét,
tít dưới sâu là dòng suối
Lũng Pô ầm ào nước chảy tung
bọt trắng xóa. Trước đây, có
một tảng đá tự nhiên gác
cheo leo qua vết chém khổng
lồ này, tạo thành cây cầu
giao lưu giữa hai nước Việt
- Trung. Nay vị trí của tảng
đá đã được thay bằng một cây
cầu bê tông cốt thép, chỉ
dài vài mét, cũng là điểm
phân giới giữa hai nước.
Cách mỗi bên đầu cầu chừng
chục mét, là 2 cột mốc trang
nghiêm mang quốc huy mỗi
nước, cùng với quả núi đá
tách đôi kia xác định ranh
giới như “định phận tại sách
trời.
Trở về Y Tý, vùng cư trú của
người Hà Nhì. Nếu như người
Hà Nhì xưa ít giao tiếp,
ngại tham gia các hoạt động
cộng đồng với dân tộc khác,
thì nay đã khác nhiều. Người
Hà Nhì nay đã năng động,
phát huy phẩm chất chịu
thương chịu khó hay lam làm,
biết sản xuất nông sản hàng
hóa, bước đầu biết khai thác
dân ca, dân vũ để phục vụ
khách du lịch, biết dùng tài
đan lát để làm ra những vật
dụng dân gian mà du khách
rất thích thú, và vẫn giữ
gìn được phong tục truyền
thống, các trò chơi dân gian
trong lễ hội cổ truyền.
Những phong tục này chính là
di sản văn hóa cần được giữ
gìn và phát huy.
Y Tý là đất mưa. Rất nhiều
ngày mưa trong năm. Con
đường xuống bản Lao Chải đã
được mở cho ô tô đi được,
không còn là con đường mòn
bé xíu luồn dưới rậm rạp cây
rừng như cách đây vài năm.
Về Mường Hum, nghe “tiếng
suối ngàn còn chảy mãi” như
bài hát của nhạc sĩ Nguyễn
Tài Tuệ. Mường Hum là tâm
điểm của 8 xã trong khu vực,
hội tụ về chợ phiên một bảng
màu rực rỡ từ thổ cẩm các
dân tộc Dao Đỏ, Mông Trắng,
Hà Nhì, Giáy. Nơi đây còn có
một số di tích có thể khai
thác tham quan, khám phá như
Ao Tiên, khu đồn Pháp. Để
phát triển du lịch, cần phải
có sự vào cuộc mạnh hơn, xây
dựng thêm phòng nghỉ, nhà
hàng đủ năng lực và phục vụ
chuyên nghiệp để hấp dẫn du
khách.
Trở về Bản Xèo, có thể
thưởng thức hương vị rượu
San Lùng do đồng bào Dao Đỏ
nấu bằng phương pháp thủ
công có bí quyết riêng. Từ
Bản Xèo vượt đèo Yên Ngựa là
ra Mường Vi, điểm du lịch
hang động kỳ thú, rồi trở ra
Bản Vược là kết thúc hành
trình cánh cung đầy hấp dẫn
của vùng đất Bát Xát. Du
khách có thể đặt tour tại
Vietdiscovery – công ty phục
vụ lữ hành khám phá chuyên
nghiệp.
----------
Tác Giả: Mã Anh Lâm
Nguồn tin:
Vietdiscovery
|