Du lịch - Khách sạn - Nhà hàng - Phong cảnh - Tour - Khám phá SAPA Lào Cai

  English  |  Tiếng Việt Fansipan | Trăng mật Sapa | Tour ghép Sapa
     Trang chủ
     Giới thiệu Sapa
     Khách sạn Sapa
     Nhà hàng & Bar
     Tour du lịch Sapa
     Tour leo núi Fansipan
     Tour ghép Fansipan
     Tour ghép hàng ngày 
     Tour trăng mật Sapa
     Thuê xe du lịch Sapa
     Vé tàu Sapa
     Ảnh Sapa
     Bản đồ du lịch Sapa
     Chợ vùng cao Sapa
     Thông tin cần biết
     Tin tức & Sự kiện
     Địa điểm tham quan
     Hướng dẫn đặt tour
 
 
 

 

 
 
Đối tác
 
 
 
 
Tin tức & Sự kiện >> Về miền công viên đá
 

Về miền công viên đá

Những địa danh đèo Pác Xum, vú núi Quản Bạ, hội tình Khau Vai, sông Nho Quế, Mã Pì Lèng, núi đá Đồng Văn, Lũng Cú, dinh thự họ Vương… của Hà Giang luôn giục giã tôi phải trở về.

Nhân thể có trại viết của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc phối hợp với Hội Văn nghệ Hà Giang tổ chức tại Quản Bạ, tôi liền khoác ba lô lên đường. Tiết trời tháng sáu nắng nung, lại thêm cái chuyện các chủ xe coi "thượng đế" không bằng rơm rác càng nóng nực… Quá ngọ, chúng tôi cũng đến được bến xe phía nam thị xã Hà Giang.


Đường lên Mèo Vạc.

Ngày chủ nhật, buổi sáng chưa có phương tiện đi Quản Bạ, chúng tôi làm cuộc du ngoạn vào một xã nghe nói đang xây dựng hồ du lịch cách thị xã không xa theo lời giới thiệu của anh lái xe ta-xi hôm trước. Quả là cái hồ thiên tạo như một thiếu nữ miền sơn cước hồn nhiên trinh trắng trải mình cùng non ngàn, núi đá, rừng cây chưa hề có bàn tay du lịch sờ mó ngoài con đường đang rải đá. Xóm làng vắng ngắt bao trùm một không khí đìu hiu… Hai giờ chiều, chúng tôi được nhà thơ Đặng Quang Vượng, Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang cho đi nhờ. Rồi từ đây, không hiểu sao lòng dạ tôi cứ chộn rộn, háo hức sẽ lại phát hiện được những điều kỳ diệu huyền bí ở xứ đá. Vẫn trên con đường Hạnh Phúc, đoạn đèo Pác Xum, tám năm trước còn hoang sơ mù mịt, thì hôm nay đã nườm nượp xe cộ lên lên xuống xuống. Và thi thoảng bên đường có đống dưa chuột bởi mùa ngô đang xanh um tùm. Bên một đống dưa, mấy đứa trẻ mặt mày nhọ nhem, đỏ rừ dưới trời nắng gắt, tôi đành mua mấy quả cho phải lẽ, rồi chia mỗi đứa 5 nghìn đồng. Hình như mấy đứa trẻ thoáng chút ngỡ ngàng trước cử chỉ hào phóng lạ đời, nhưng tôi đã chọn đưa cho đứa có vẻ bạo dạn, nó nhận ngay, nên mấy đứa còn lại cũng nhận theo. Đến khách sạn Tam Sơn - Quản Bạ, nhiều trại viên đã lục tục đến trước. Mấy tay ảnh đã rồ xe máy đi "săn" tứ tung, ông nào cũng phừng phừng khí thế, máy ảnh lủng lẳng trước ngực, lại thêm tóc tai bờm xờm, quần những túi là túi. Nghề ảnh phải thế. Làm ảnh thì lăn lê trèo tuột cả đời.

Ai từng đến, từng qua Quản Bạ hẳn đôi vú núi luôn đọng trong ký ức. Năm 2001 đến đỉnh đèo, Vương Lềnh, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang vốn quê Quản Bạ còn chỉ cho tôi "đôi sừng quỷ"; "các cụ bảo khi Tiên giáng trần xuống đây thì cũng có con quỷ đứng xa luôn canh chừng". Hồi ấy Quản Bạ vẫn là vùng núi đá khô khát. Bởi khô khát nên mới có tên thế: Bãi cằn khô. Nhưng giờ phố núi đã đông vui rồi. Xong việc ở Quản Bạ, tôi định lên Mèo Vạc thì Bí thư Huyện ủy Giàng Cồ Hòa đi công tác về giữ lại. "Người Mông mình quý nhau thì phải ở làm khách một đêm chứ!", nhưng rượu lướt khướt cả nên không tâm sự được nhiều, dự định tìm đến thăm cố hương chuyên gia chữ Mông Phan Thanh, người Bố Y cũng không thành.

Đường lên Mèo Vạc càng cuốn hút bởi tua tủa đá. Đá đứng đá ngồi. Đá nghiêng đá nhô. Đá phục đá lăn. Đá chọi mây trời, đá trầm hương đất. Thị trấn Mèo Vạc nằm gọn giữa một khoảnh bằng như lòng chảo được bao bọc bởi núi đá lô nhô, sừng sững. Mèo Vạc, nhiều người nhầm tưởng đây là xứ sở người Mèo xưng vua. Không đâu! Vùng đất này là nơi họ Vương đến lập làng đầu tiên, cũng như Buôn Ma Thuột, tức làng của cụ Ama - ythuột (cụ là bố thằng Thuột), hay như Giàng Cha, Mã Cha… - làng nhà họ Giàng, làng nhà họ Mã… Ngày 13, kết thúc buổi làm việc chiều, anh Nguyễn Tiến Liêu, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy, một cán bộ có thâm niên, thông tỏ từng ngõ xóm Mèo Vạc đưa vào thăm vài làng Mông, tiện thể tôi cũng muốn sưu tập một cây khèn thật “xịn”. Chúng tôi thẳng tới một xóm ven thị trấn. Nhà chẳng thấy, chỉ thấy nương ngô tốt bời bời mọc lên từ sỏi đá. Đến khi có con chó xồ ra nhằm thẳng bắp đùi trái, may tôi vừa kịp buông cái túi laptop để chắn, chắc con chó bị giật mình từ thế chủ động chuyển sang bị động, nên nó gầm gừ tọt vào trong nhà. Lúc đó mới thấy rõ có một xóm nhà thấp xếp thành dãy khuất chìm trong bạt ngàn nương ngô cao lút đầu người. Chúng tôi vào một nhà nghe nói là thợ khèn. Người thợ vắng nhà, chỉ có hai ông bà già đang ốm. Ông gầy khọm, đen đúa, nhưng xởi lởi bưng cả đống khèn mới toanh ra. Ông còn đem cả những cục gỗ, những sóng trúc chuẩn bị hình thành dáng rồi giảng giải cho chúng tôi về cách thức làm khèn. Chờ ông giảng giải xong, tôi mới hỏi đến cây khèn cũ đã lên nước bóng nhoáng, cuống khèn đeo những 12 dải vải đỏ, tức đã 12 lần lập chiến tích. Ông vừa ngã giá 400 nghìn đồng thì một cậu choai nhà có con chó đẻ suýt cắn tôi chạy đến cò mồi 500 nghìn đồng, thế là ông trở nết khăng khăng đòi 500 nghìn đồng. Đưa bốn trăm rưỡi, mặt ông đã cười cười thì cậu choai hét lên "phải năng trăng" làm ông già nghệt mặt vội khoanh tay ôm gối. Hôm sau, theo chân đồng chí Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy tới một xóm Mông có ngôi nhà nghe nói đã 400 năm, chủ nhân họ Và, tức Vàng - Vương. Ngôi nhà già nua tiều tụy, nhưng vẫn bề thế giữa bạt ngàn ngô xanh. Ngô và ngô. Muôn năm vẫn ngô. Ngô mọc trên sỏi đá mà mùa vụ nào cũng xanh mướt. Ngô được mút mát sương đêm, được liếm láp mồ hôi người và được hít hà hơi đá nên mới tốt thế.

Để thỏa nỗi khát khao của tôi, chủ xe - nhà văn Nguyễn Trần Bé, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Giang đành phải thuận tình làm cuộc hành trình theo vòng cung mom biên. Qua thị trấn Mèo Vạc một đoạn là mở ra một khung cảnh hùng vĩ như bức tranh thủy mặc. Con đường men chênh vênh bên sườn dốc đứng toàn đá là đá. Ngó xuống lề đường là một dải vực với độ dốc khủng khiếp đến chóng mặt. Nhìn tầm gần, mặt đường như một nhát búa chặt vát vào thân cây cổ thụ. Nhìn tầm xa, con đường vắt vẻo như một sợi chỉ nhỏ giữa trùng trùng thành vách đá sừng sững, cảm tưởng như những bức thành đá sẽ hất mình xuống vực sông Nho Quế bất kỳ lúc nào. Dòng sông Nho Quế hiện như dải lụa khiêm nhường tận dưới khe sâu. Mã Pì Lèng - núi mặt ngựa, dốc thẳng đứng như sống mũi ngựa. Ở đây, người ta xây một vọng lầu sơn để khách nghỉ ngơi và ngắm cảnh hùng vĩ cho tâm hồn trải rộng cùng nước non. Con người nhỏ nhoi giữa một vùng trùng điệp, hùng vĩ cũng thấy mình phổng phao vĩ đại lên. Chả thế mà bao lâu nay trên thế giới vẫn có người đi tìm kỷ lục bằng leo núi mạo hiểm, bằng chinh phục những đỉnh cao. Thế nhưng vùng núi non phía Bắc Việt Nam này hễ đâu là nơi hùng vĩ nhất, đâu là nơi điệp trùng nhất thì ở đó có người Mông vốn đã sinh sống hàng ngàn đời rồi, nào Mã Pì Lèng, Pác Xum… của Hà Giang, nào Ma Cheo Van, San Sả Hồ… của Lào Cai


Ngút ngàn rau màu nhìn từ cột cờ Lũng Cú

Thưởng ngoạn vài phút Mã Pì Lèng, Nho Quế trầm mặc cùng với đá ngất ngưởng oai phong và gió núi phóng túng thanh cao, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình qua thị trấn Đồng Văn, đến Sà Phìn. Bất chợt giữa độ đường thấy một cái hồ nước trong xanh giữa khe cạn. Đây là "hồ treo" đã từng nghe nói? Nhà văn Nguyễn Trần Bé nói đây là những cái "hồ treo" do Thủ tướng tặng Hà Giang ngàn đời khô khát trên đá. Mục sở thị hồ treo, tôi thêm nung nấu triết tự Hồ Zàng, những địa danh dân gian đặt từ thời tiền sử mà sao ngôn từ hoa mỹ toàn bích vậy. Hồ Zàng không phải cái hồ nước thật, mà là cả một vùng bảng lảng sương khói giữa dương gian. Còn bây giờ thì Hồ Zàng không còn phải triết nghĩa văn chương nữa. Rẽ vào khu dinh thự họ Vương, cách đây tám năm, đã trở nên rêu phong hoang tàn thì bây giờ cả tòa dinh thự được sống lại uy nghi bề thế bởi có sự đầu tư của Nhà nước thành khu bảo tồn văn hóa với những đồ dùng rất đặc trưng Mông. Không nán lại lâu bởi đường còn xa. Lên đến cổng trời, một cửa ải để sang Phố Cáo, ngoái lại, thấy một hồ treo nữa đang hình thành, những người khuân vác đá, cát, xi măng đông nghịt, tấp nập như cả một đàn kiến cần mẫn. Có lẽ công trình nhân tạo ít thấy ở Việt Nam và chỉ thấy ở Hà Giang.

Giờ đây tuy đã mang một cái tên hòa nhập khá mỹ miều: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Hà Giang, nhưng những giọt mồ hôi sôi xèo trên đá cuồn cuộn trong trái tim tôi muôn điều tâm sự...

 
 
 
Liên kết web
 
Cây cảnh Miền bắc - Nơi giao lưu mua bán cây cảnh   Thuốc tắm Người Dao đỏ - Sản phẩm của núi rừng   Bồn tắm gỗ Pơmu - Bền đẹp mãi với thời gian
Nhà đất Sa pa - Thông tin mua bán Nhà đất Sa pa   Khám Phá Fansipan - Nhà tổ chức leo núi chuyen nghiệp Sapa   Du lịch Sapa - Công ty TNHH Du lịch Khám Phá Việt
Nhà hàng Sapa - Nơi thưởng thức hương vị Sapa, thưởng thức ca múa nhạc dân tộc   Vietnam travel - Tailor-made, adventure and excursion tours   Bất động sản Sapa- Sàn giao dịch bất động sản, Thông tin nhà đất Sapa
Halong bay tours - Halong cruises, hotels and kayaking tours   Du lich, Công ty Du lich
Khám phá các điểm du lịch của Việt Nam
  Tour du lich sapa
Khám phá các điểm du lịch trên thế giới
Du lich sa pa Thông tin giới thiệu về điểm du lịch hấp dẫn Phú Quốc        
         
 
 
 

Trang chủ | Giới thiệu | Liên hệ | Site map | Trao đổi logoQuảng cáo | Dịch vụ | Testimonials | Danh bạ web

Copyright©2010 SapaLaocai.com All rights reserved. Công ty TNHH Du lịch Khám phá Việt
Địa chỉ: Số 031 Phố Xuân Viên, Thị trấn Sa Pa, Tỉnh Lào Cai, Việt Nam
Điện thoại: 0203 872 606 ; Fax: 0203 872 136 ; 0984 255 255 ; Email: info@vietdiscovery.com

Thiet ke web: Sapa - Lao Cai - Du lich Ha Long - Dich vu SEO Quang ba web HanoiSEO.com