Vùng đất mang tên Rồng Hoa
Ở thung lũng Pha Long (Mường Khương)
có một hòn đá to, nhìn giống con
Rồng Hoa.
Bà
con ở đây kể lại: Từ ngày xửa ngày
xưa, vùng đất này rất trù phú, dân
cư quây quần đông vui. Những rừng
cây bạt ngàn, tươi tốt, các loài cây
đua nhau nở hoa rực rỡ theo mùa. Các
loài chim tụ về làm tổ, bay lượn,
nhảy nhót, khoe những bộ lông đẹp và
cất tiếng hót đối đáp nhau, rộn rã,
tưng bừng. Các làng người Mông,
người Nùng, người Thu Lao, người Pa
Dí… quây quần đông vui. Lúa, ngô tốt
bời bời, lanh lên xanh rười rượi.
Con trai giỏi vỡ ruộng, cày nương,
tài cưỡi ngựa, thổi sáo, múa khèn.
Con gái giỏi tước lanh, kéo sợi, dệt
vải, may thêu và có tiếng đàn môi
quyến rũ.
Hôm ấy, công việc mùa màng đã
xong, mọi người tụ họp, cùng nhau mở
hội. Cả thung lũng rộn rã tưng bừng.
Các chàng trai phô bầy sức khoẻ, thi
thố tài năng trong những cuộc đua
sôi động mạnh mẽ. Các cô gái bá vai
nhau đứng xem, ý tứ liếc nhìn những
anh chàng dũng mãnh, tài ba. Thỉnh
thoảng các cô cũng tham gia vào
những trò chơi thi sự uyển chuyển,
nhẹ nhàng. Cuộc đẩy gậy với các
chàng trai gồng tấm lưng vạm vỡ,
chân miết vằm cả nền đất cứng. Những
con quay nặng trịch như từ trên trời
giáng xuống, quay tít trong tiếng
ngân vi vi. Con quay tiếp sau bổ
xuống, văng bật ra, đấu chọi quyết
liệt trên bãi cỏ nát nhừ. Những
chàng trai gò mình trên lưng ngựa,
vó ngựa gõ rung triền núi. Những bếp
thắng cố lửa cháy rừng rực. Rượu ngô
từng bát, từng bát sóng sánh, thơm
lừng và bốc men say.
Hội vui kéo sang đêm. Đêm ấy
trăng rất sáng. Các chàng trai trổ
tài múa khèn và múa gậy tiền để các
cô gái mải mê ngắm nhìn, thán phục.
Tiếng hát gầu plềnh- tiếng hát tình
yêu - đối đáp thâu đêm. Tiếng sáo
véo von, trầm bổng. Tiếng đàn môi
thủ thỉ bồi hồi đáp lại. Núi rừng
miên man trong đêm say men tình.
Hội vui lay động cả đến nhà
trời. Khi đêm đến, Rồng Hoa từ trên
nhà trời không nén được nỗi khát
khao, đã uốn mình lướt qua đám mây,
bay xuống. Rồng Hoa cùng vui chơi
múa lượn trong tiếng sáo, tiếng đàn
và tiếng hát của mọi người. Cuộc vui
đang độ say nồng thì trời sáng, Rồng
Hoa không thể về nhà trời được nữa.
Rồng hoa phải ở lại, biến thành khối
đá mang hình con rồng. Từ đó, vùng
đất này mang tên Rồng Hoa, hay Hoa
Long, nói chệch thành Pha Long.
Trải qua bao nhiêu biến đổi,
gió mưa, một thời vùng Pha Long trở
nên xơ xác. Rừng lùi xa, núi trơ đất
cằn. Suối khan cạn nước. Cây ngô
vàng vọt, cây lúa kém xanh, cây lanh
ủ rũ. Con người vất vả. Khối đá mang
hình Rồng Hoa như cũng buồn, lặng lẽ
đen xám trong sương mờ.
Chợ Pha Long.
Vần vụ gió mưa qua, Pha Long đổi
khác. Rừng dần dần xanh lại và véo
von tiếng chim. Lúa, ngô giống mới
đã mượt mà trên ruộng, trên nương.
Mọi người phấn khởi, nô nức làm ăn.
Điện đã toả sáng. Đường trải nhựa từ
ngoài tỉnh vào Mường Khương lên tới
Pha Long, mở rộng, nối dài vượt sông
La Hờ sang Si Ma Cai, nối tới các
miền xa. Đường từ Pha Long trườn tới
thôn, tới bản. Mái trường mới đỏ
hồng. Những bước chân trẻ mẫu giáo
lẫm chẫm, lon ton, tung tăng, những
bước chân tiểu học, trung học lanh
lợi, chững chạc đến trường. Chợ
phiên Pha Long, người về đua chen và
hàng hoá ê hề, người từ các xã tới,
khách từ thành phố Lào Cai, từ nước
bạn, từ nhiều nơi tụ vào. Pha Long
đông vui. Pha Long rộn rã sắc màu,
hội vui lại mở. Tiếng khèn, tiếng
sáo, tiếng đàn môi lại trầm bổng
thiết tha.
Nhìn vào khối đá hình rồng
xưa, thấy Rồng Hoa hiện lại dáng
hình. Có người nói: Bây giờ nhà trời
có cho gọi Rồng Hoa về, chắc Rồng
Hoa cũng phải nấn ná, ở lại. |